Quốc tế

Nhân vật

Thách thức chờ tân Tổng thống Philippines

08:11, 14/05/2016 (GMT+7)

Ông Rodrigo Duterte, “Donald Trump” của Philippines, vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Đông Nam Á này. Sau niềm vui chiến thắng, ông phải bắt tay giải quyết hàng loạt khó khăn.

Tân Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte. 		                          Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh dư luận Philippines nói riêng và dư luận thế giới nói chung đang chờ đợi phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague về đơn khiếu nại của Philippines liên quan tới những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, thái độ cũng như chính kiến của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn trong lúc này.

Ông Duterte tuyên bố sẽ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông thông qua đối thoại đa phương, trong đó có sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc và những nước có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, quan điểm của ông hiện vẫn gây bối rối với giới ngoại giao quốc tế vì sự mâu thuẫn trong lập trường hành xử của ông với Trung Quốc. Lúc thì ông nói muốn đối thoại với Bắc Kinh, nhưng lúc lại nói sẽ đích thân chèo thuyền tới và cắm cờ Philippines lên đảo của họ bị Trung Quốc chiếm đóng...

Trong lúc đó, trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính phủ Tổng thống Barack Obama, Washington đang mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh quốc phòng với Manila. Nhưng giới quan sát hồ nghi về khả năng này khi trong những phát biểu công khai, ông Duterte chẳng hề giấu mối ngờ vực về quan hệ quốc phòng giữa Manila với cường quốc hàng đầu thế giới. Thậm chí, ông từng cảnh báo, nếu trở thành tổng thống sẽ cắt đứt quan hệ với Úc và Mỹ sau khi đại sứ của những nước này chỉ trích ông về các bình luận liên quan tới vụ cưỡng hiếp tập thể nhà truyền giáo nữ người Úc.

Bên cạnh đó, người ta có thể nhận thấy các nội dung trong cương lĩnh tranh cử của ông Duterte thiên nhiều về hướng nâng cao đời sống của một bộ phận lớn dân nghèo Philippines, loại bỏ tham nhũng và trấn áp tội phạm.

Giờ đây, ông là người đứng đầu Philippines, được thừa hưởng “di sản” một nền kinh tế có tốc độ phát triển trung bình 6,2% trong 6 năm qua, một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất tại châu Á. Philippines là một trong những “con hổ đang trỗi dậy” của khu vực Đông Nam Á. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Philippines tăng gấp 4 lần. Hiệu quả thu thuế được cải thiện và ít nhất đã có thêm 4 triệu việc làm mới được tạo ra, mặc dù đó vẫn là con số rất khiêm tốn so với tổng dân số 102 triệu người của nước này.

Dù vậy, với đại đa số người dân Philippines, họ vẫn chưa cảm nhận được lợi ích từ tốc độ tăng trưởng đó. Thách thức kinh tế với tân Tổng thống Philippines sẽ không nhỏ khi gần 1/3 dân số Philippines vẫn đang sống dưới mức nghèo và phần lớn người dân đang rất cần một ai đó có thể giúp giá hàng hóa bớt đắt đỏ.

Những tuyên bố mạnh mẽ của ông Duterte trong việc dẹp trừ nạn tham nhũng khiến ông được nhiều cử tri Philippines yêu mến. Tuy nhiên, giới đầu tư nước ngoài lo ngại sự khó đoán định ở ông bởi không ai biết ông có những dự liệu gì để phát triển nền kinh tế Philippines.

Giới phân tích dự đoán việc ông Duterte đắc cử sẽ làm suy yếu đồng peso nếu căn cứ vào chính sách kinh tế không chắc chắn của ông. Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Philippines đã giảm điểm lần thứ 10 trong 11 ngày. Vì vậy, để thuyết phục được giới đầu tư nước ngoài cũng như chứng tỏ với người dân Philippines rằng họ đã đúng khi chọn ông, ông Duterte sẽ phải đảm đương nhiệm vụ không đơn giản.

Tổng thống chuẩn bị bãi nhiệm Benigno Aquino III cho rằng, việc ông Duterte trở thành tổng thống tương tự việc chính thể Philippines quay trở lại với chế độ độc tài. Và không phải vô căn cứ khi ông Aquino lo sợ ông Duterte sẽ phá hỏng nền dân chủ Philippines, cũng như sẽ phung phí các thành quả kinh tế đạt được trong 6 năm qua.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.