Covid-19 bùng phát trong lúc Mỹ bước vào mùa bầu cử tổng thống. Với hơn 4.600 ca nhiễm và 87 ca tử vong, người Mỹ giờ đây không thể thờ ơ với dịch bệnh. Tổng thống Donald Trump cũng thay đổi quan điểm và đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để phòng chống dịch.
Tổng thống Donald Trump (giữa) đã ký dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD nhằm ứng phó tác động của Covid-19 đối với kinh tế và xã hội của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Hãng CNN dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, tính đến ngày 17-3, Mỹ có hơn 4.600 ca mắc Covid-19, trong đó 70 ca là công dân Mỹ trở về từ Trung Quốc hoặc trên du thuyền Diamond Princess, và 87 trường hợp tử vong. Các bang Washington và New York là vùng tâm dịch lớn ở Mỹ, mỗi bang có hơn 900 ca nhiễm; tiếp đó là bang California với 450 ca nhiễm. Riêng bang Tây Virginia chưa có trường hợp nào nhiễm bệnh.
Ngừng các hoạt động xã hội trong 15 ngày
Theo AP, sau nhiều tuần hạ thấp nguy cơ đại dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố mạnh mẽ như áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, kêu gọi chính quyền các bang thành lập bệnh viện và trung tâm ứng phó khẩn cấp. Ông thúc giục người dân Mỹ tạm ngừng các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ tập nhóm hơn 10 người. Người đứng đầu Nhà Trắng khuyến cáo người dân không nên đi lại tùy ý và không đến các bar, nhà hàng, khu ẩm thực hay phòng gym. Ông cho biết, tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể kéo dài đến tháng 7, hoặc tháng 8, hoặc hơn thế.
Song, Tổng thống Trump nói rằng, chưa đến mức phong tỏa cả nước và việc phong tỏa chỉ nên áp dụng đối với một số “điểm nóng” hiện nay. Chính phủ của ông cũng đang thảo luận về đề xuất thi hành lệnh giới nghiêm toàn quốc. “Nếu tất cả mọi người cùng thay đổi và hy sinh ngay bây giờ, chúng ta sẽ đoàn kết và đánh bại virus trước khi có lễ kỷ niệm lớn cùng nhau”, Tổng thống Trump bày tỏ, đồng thời gọi Covid-19 là “kẻ thù vô hình” và “dễ lây lan”.
Covid-19 đe dọa tác động lớn đến chiến dịch tranh cử, hủy bỏ nhiều sự kiện của các ứng cử viên Dân chủ cũng như Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, không cần hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ và việc hoãn hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi bang.
Covid-19 phủ bóng bầu cử
Hãng CNN bình luận, quan điểm của Tổng thống Trump về Covid-19 đã thay đổi. Ông nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của đại dịch, chứ không còn so sánh dịch bệnh này với cúm mùa. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng nói với các cố vấn rằng, ông tin Covid-19 sẽ là nội dung quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Trump cho rằng, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 chưa tới 1%, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo con số này là 3,4%. Ngày 10-3, ông Trump viết trên Twitter: “Năm ngoái, 37.000 người Mỹ chết vì cúm. Trung bình mỗi năm có từ 27.000 - 70.000 người chết vì cúm. Chẳng nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và nền kinh tế vẫn diễn ra”. Tuy nhiên, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cảnh báo: “Cúm mùa có tỷ lệ tử vong là 0,1%. Covid-19 có tỷ lệ tử vong gấp 10 lần như thế”.
Trong lúc số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Ý không ngừng gia tăng, số bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ cũng tăng và tác động đến nền kinh tế, Tổng thống Trump đã nhận nhiều cảnh báo về việc sẽ có thêm nhiều người Mỹ nhiễm bệnh nếu chính phủ không hành động quyết liệt. Ngay cả ông Trump cũng đã vô tình tiếp xúc với ít nhất 3 ca dương tính với SARS-CoV-2. Rồi Thư ký báo chí của ông, bà Stephanie Grisham và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với những người mắc bệnh.
Ngày 15-3, trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong mùa bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2020, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cùng chỉ trích Tổng thống Trump về cách xử lý Covid-19. Ông Sanders thậm chí cho rằng, Covid-19 làm bộc lộ “sự rối loạn chức năng” của hệ thống chăm sóc sức khỏe “chắp vá” của Mỹ.
Rồi đây, tại các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống, Covid-19 sẽ vẫn là đề tài nóng. Chính ông Trump cũng nhìn nhận khả năng xảy ra suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng tới việc tái tranh cử của ông. Covid-19 bùng phát ở Mỹ vô hình trung mang đến cho ông Trump nhiều khó khăn để có thể ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ.
Hãng AP dẫn lời một cố vấn Nhà Trắng cho biết, Mỹ có thể bơm ít nhất 800 tỷ USD vào nền kinh tế để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra. Ngày 16-3 (giờ Mỹ), các chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ giảm từ 12-13%, khiến hàng ngàn tỷ USD bốc hơi. Trong đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm đến 12,9%, đây là mức giảm mạnh kỷ lục kể từ năm 1987 và là mức giảm nghiêm trọng thứ 3 trong lịch sử. |
PHÚC NGUYÊN