Hơn 300.000 người mắc Covid-19: Các nước yêu cầu người dân ở nhà

.

Gần 1 tỷ người tại 35 quốc gia/vùng lãnh thổ được kêu gọi ở nhà khi thế giới có tổng cộng hơn 300.000 mắc Covid-19 và 13.300 người tử vong. Ý là ổ dịch lớn thứ hai (sau Trung Quốc đại lục); tiếp đó là Tây Ban Nha, Mỹ…

Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) vốn đông đúc nhưng giờ đây vắng vẻ.  Ảnh: Getty Images
Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) vốn đông đúc nhưng giờ đây vắng vẻ. Ảnh: Getty Images

Ý là nước phương Tây đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm dịch cứng rắn chưa từng có để ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có việc phong tỏa cả nước và yêu cầu người dân ở nhà. Tuy nhiên, tình hình tại quốc gia châu Âu này vẫn ngày càng nghiêm trọng.

Ý: 1 ngày có gần 800 ca tử vong

Trong 24 giờ tính đến sáng 22-3, Ý có 793 người tử vong, tăng 20% so với ngày trước đó, và ít nhất 53.500 người mắc bệnh. Như vậy, Ý có tổng cộng 4.285 người chết vì Covid-19, trong khi con số này ở Trung Quốc đại lục - vùng tâm dịch lớn nhất thế giới - là 3.261 người. Phát biểu trong một video được đăng trên facebook, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhấn mạnh: “Đây là cuộc khủng hoảng khó khăn nhất trong giai đoạn hậu chiến tranh của chúng ta”.

Ông công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt áp dụng đến ngày 3-4; theo đó, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, đóng cửa tất cả hoạt động sản xuất “phi chiến lược” và không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Riêng siêu thị, hiệu thuốc, bưu điện, ngân hàng được mở cửa; các dịch vụ công cộng thiết yếu như vận tải vẫn bảo đảm. Cảnh sát ở thành phố Rome kiểm tra và phạt bất kỳ ai đi lại trên phố mà không có lý do chính đáng.

Ngày 21-2, Ý có ca tử vong đầu tiên, trong khi Trung Quốc đại lục có 2.345 ca. Chỉ trong một tháng, đến ngày 20-3, quốc gia Địa Trung Hải gồm 60 triệu dân có 3.405 ca tử vong, vượt Trung Quốc đại lục; đến ngày 22-3 vượt cả số ca tử vong ở Trung Quốc đại lục và Iran cộng lại. Lombardy, vùng giàu có ở phía bắc nước Ý, bị phong tỏa từ ngày 8-3. Các nhà chức trách hy vọng sẽ thấy kết quả khả quan ở Lombardy trước hết, nhưng số người chết và mắc bệnh ở khu vực này vẫn gia tăng với những con số lần lượt là 3.095 và hơn 25.500.

Hãng AFP dẫn lời Giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý Silvio Brusaferro thúc giục người cao tuổi ở nhà bởi bệnh nhân Covid-19 tại quốc gia này có độ tuổi trung bình là 78,5 tuổi. “Nếu bạn không tuân theo tất cả các biện pháp của chính phủ, bạn sẽ làm mọi việc thêm khó khăn”, vị quan chức y tế nói.  

Mỹ là vùng dịch lớn thứ tư

Với hơn 26.700 ca mắc Covid-19 và 348 ca tử vong, Mỹ trở thành vùng tâm dịch lớn thứ tư thế giới. Trước đó, ngày 17-3, Mỹ ghi nhận hơn 6.300 ca bệnh. Theo thống kê của Đại học John Hopkins, chỉ trong gần 1 tuần, cường quốc này ghi nhận số ca gấp 4 lần ở toàn bộ 50 bang. Song, số ca tử vong tại Mỹ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, Ý hay Tây Ban Nha.

Một số bang như California, Illinois, New York, Oregon và New Jersey yêu cầu người dân ở nhà. Thống đốc bang California Gavin Newsom thúc giục những người trẻ tuổi không nên tụ tập trên các bãi biển. Bang Illinois với 12,7 triệu dân và thành phố Chicago thuộc bang này đã ra lệnh những ai làm công việc không thiết yếu phải ở nhà.

Trong lúc đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo giới trẻ rằng, 54% trong số hơn 12.200 ca nhiễm tại bang này từ 18-49 tuổi. Ngoài ra, bang New York có 70 ca tử vong. Ông Cuomo nói rằng, việc gián đoạn mọi hoạt động có thể kéo dài vài tháng, chứ không phải chỉ vài tuần.

Thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo hằng ngày tại Nhà Trắng cùng lực lượng chuyên trách phòng chống Covid-19. Quốc hội Mỹ dự kiến thông qua gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD, theo đề nghị của Tổng thống Trump, trong lúc lo ngại dịch bệnh sẽ làm kinh tế rơi vào khủng hoảng. Ông Trump cũng đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng, theo đó đẩy nhanh hoạt động sản xuất khẩu trang, máy thở, bộ thông gió cũng như các thiết bị cần thiết khác để chống Covid-19.

Ấn Độ: Lệnh giới nghiêm trong 14 giờ

Ngày 22-3, hàng trăm triệu công dân Ấn Độ ở nhà khi Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi mọi người “tự cách ly” trong 14 giờ nhằm ngăn chặn virus lây lan. “Tất cả chúng ta hãy là một phần của lệnh giới nghiêm, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19”, ông Modi viết trên Twitter.

Mặc dù lệnh giới nghiêm không cấm hoàn toàn việc di chuyển và được thực hiện tự nguyện, nhưng làm giảm đáng kể lượng người trên đường phố. Ấn Độ hiện có hơn 340 ca nhiễm và 4 ca tử vong.
Tối 22-3, lệnh giới nghiêm hết hiệu lực. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn phong tỏa một số thành phố, ngừng dịch vụ đường sắt và dịch vụ vận tải đường bộ. Ngành đường sắt vốn có hơn 25 triệu hành khách mỗi ngày tuyên bố hoãn tất cả chuyến tàu đến ngày 31-3. Một số người lao động tập trung tại các bến xe buýt để bày tỏ phản đối việc đóng cửa đột ngột những dịch vụ vận tải cơ bản.

Anh: 1,5 triệu người có thể mắc Covid-19

Chính phủ Anh ngày 22-3 khuyến cáo 1,5 triệu người có tiền sử bệnh như ung thư xương, ưng thư máu hoặc đã ghép tạng… nên ở nhà ít nhất 12 tuần. Hãng BBC dẫn lời Bộ trưởng Cộng đồng Anh Robert Jenrick nhấn mạnh, đối tượng “dễ bị tổn thương” nên ở nhà nhằm bảo vệ Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) và chính bản thân.

Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo, NHS có thể quá tải chỉ trong vòng 2-3 tuần, tương tự hệ thống y tế của Ý, và đối mặt với số ca tử vong gia tăng. “Nếu chúng ta không hành động cùng nhau, không cùng nỗ lực để làm chậm sự lây lan của virus, NHS sẽ quá tải”, ông Johnson nói. Anh hiện có 233 ca tử vong và hơn 5.000 ca nhiễm bệnh.
Chính phủ của ông Johnson đang nỗ lực chống Covid-19 khi yêu cầu tất cả quán cà-phê, bar, nhà hàng, hộp đêm, nhà hát và trung tâm giải trí đóng cửa từ ngày 20-3. Lệnh đóng cửa không có thời hạn và sẽ được giới chức Anh xem xét hằng tháng. Riêng các cửa hàng bán hàng hóa, thực phẩm vẫn hoạt động.

Iran: Tình hình dịch bệnh sẽ thay đổi trong 10-15 ngày

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, những nỗ lực của nhà chức trách nước này trong việc chống lại Covid-19 sẽ mang lại kết quả đáng kể trong vòng 10-15 ngày.

Theo AFP, tuyên bố nói trên của Tổng thống Rouhani được đưa ra khi Iran ghi nhận 1.685 người tử vong và 21.600 ca nhiễm bệnh. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, phản ứng của chính phủ đang mang lại “nhiều tác động” và “tình hình sẽ tự động thay đổi trong 10-15 ngày nếu mọi người tuân thủ các quy định”.

Iran đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi tất cả 31 tỉnh đều có bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này không áp đặt các biện pháp cách ly. Ông Rouhani chỉ khuyến cáo người dân không rời nhà và thúc giục các trung tâm mua sắm đóng cửa. Lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ngày 22-3 cũng từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc giúp nước ông đối phó với dịch bệnh.

Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết, tỷ lệ tử vong khoảng 7,5% và tỷ lệ hồi phục là 37%. Đến nay, có hơn 7.600 người đã hồi phục ở Iran.

Tây Ban Nha xem xét kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày

Chính phủ Tây Ban Nha muốn mở rộng tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng. Tính đến ngày 22-3, Tây Ban Nha có 1.720 ca tử vong, tăng so với con số 1.326 của ngày trước đó; số ca nhiễm tăng từ 24.900 lên 28.500.

Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha được áp đặt từ ngày 14-3 đối với 46 triệu dân; theo đó cấm mọi người đi lại, trừ những trường hợp quan trọng và cần thiết liên quan công việc, mua thực phẩm và sức khỏe. Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp cần được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel xem xét việc phong tỏa cả nước. Riêng ở bang Bayern, người dân chỉ được phép ra đường trong trường hợp đi làm, đi khám bệnh và mua nhu yếu phẩm cần thiết. Đức ghi nhận thêm 2.516 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 22.300, khiến nền kinh tế hàng đầu châu Âu này trở thành vùng dịch lớn thứ ba của “lục địa già”, sau Ý và Tây Ban Nha.

BÌNH YÊN

VĨNH AN

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.