Hai tuần vừa qua đã xóa bỏ hoàn toàn các thành quả về việc làm của nền kinh tế Mỹ kể từ khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống năm 2016
Khả năng suy thoái do Covid-19 là đòn mạnh nhất vào nền kinh tế Mỹ kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Hiện đang có nhiều lo ngại sẽ mất nhiều năm để hồi phục từ những tổn thất do Covid-19 gây ra, đặc biệt là đối với hàng triệu người dân Mỹ, những người đang mất việc làm và công việc kinh doanh của mình.
Tổng thống Donald Trum và các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống virus Corona (Ảnh: Getty Image) |
Hai tuần vừa qua đã xóa bỏ hoàn toàn các thành quả về việc làm của nền kinh tế Mỹ kể từ khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống năm 2016. Kinh tế đóng cửa đã ảnh hưởng nặng nề tới các gia đình người Mỹ trong khi phải thanh toán các chi phí thường xuyên bao gồm tiền thuê nhà, thuốc men, thực phẩm và bảo hiểm y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng khắp nước Mỹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tuần trước, hơn 6,6 triệu người Mỹ đã đăng ký trợ cấp thất nghiệp, trong khi đó con số này một tuần trước đó là 3,3 triệu người. Những con số này chưa từng được chứng kiến trong lịch sử nước Mỹ và điều này cho thấy việc đóng cửa các hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như lệnh yêu cầu người dân ở nhà nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 đã đóng băng nền kinh tế Mỹ.
Tình trạng mất việc xảy ra ở gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế và nhiều người sẽ có thể thất nghiệp trong vòng nhiều tháng. Từ thực tế của các đợt suy thoái trong quá khứ, sẽ có thể mất nhiều năm để quay lại tỷ lệ việc làm tại thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Ngoài ra, đại dịch cũng có những ảnh hưởng lâu dài tới người dân như mất nhà và xe, phải vay nợ, và phải chịu những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế dự báo gần 20 trệu người dân Mỹ sẽ mất việc vào tháng 07-2020 và đây sẽ là tình trạng thất nghiệp tồi tệ nhất mà nước Mỹ phải đối mặt kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Ngay cả Văn phòng ngân sách quốc hội, thường rất cẩn trọng khi đưa ra các dự báo, cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt quá 10%.
Chris Rupkey, Chuyên gia kinh tế tài chính của ngân hàng MUFG cho biết “Việc cắt giảm lao động đã vượt trần và phá vỡ các kỷ lục trong tuần này. Điều này là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã bỏ qua giai đoạn suy thoái và tiến tới giai đoạn đại suy thoái”.
Các gói hỗ trợ khổng lồ mà quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 3 được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng, tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm tiếp 9% trong quý I và 34% trong quý II. Những tổn thất về việc làm có thể được khôi phục vào cuối năm nay khi ngành dịch vụ ở Mỹ sẽ sớm được nối lại khi hết dịch, tuy nhiên, ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ là không hề nhỏ.
Khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, và các rạp chiếu phim là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. J.C. Penny trong tuần qua đã bắt đầu cắt giảm phần lớn trong số 90.000 nhân viên của mình. Các ngành khác, thường được miễn dịch với suy thoái, bao gồm y tế và giao thông cũng như các lĩnh vực yêu cầu trình độ và tay nghề cao, cũng đang chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân viên. Boeing mới đây cũng đã bắt đầu đề nghị mua lại cổ phần từ gần 100.000 nhân viên của mình ở Mỹ, trong khi đó, Đài phát thanh Entercom Communications thông báo sẽ cắt giảm một bộ lớn trong số 2.880 nhân viên của mình.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 10%, tương đương với mức trong tháng tồi tệ nhất của thời kỳ Đại suy thoái và giai đoạn suy thoái 1982-1983. Đây là mức tăng đột biến kể từ tháng 02 khi tại thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ là 3,5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm.
Thiệt hại đang lan rộng
Ben Zipperer, chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế cho rằng “Ảnh hưởng tiêu cực sẽ rất lớn nếu không có thêm hỗ trợ từ chính phủ liên bang. Khi người lao động mất việc làm hoặc các doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa, thiệt hại sẽ càng tăng. Sẽ rất khó để người dân kiếm được việc làm trong tương lai. Nợ nần sẽ chồng chất. Và điều này sẽ dẫn tới các ảnh hưởng khủng khiếp về sức khỏe và tâm lý.”
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3, qua đó Mỹ mất hơn 700.000 việc làm trong tháng này và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,4%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này sẽ không phản ánh thực tế hiện nay do số liệu được thu thập từ 12-3 - thời điểm trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và hầu hết các bang áp dụng hạn chế đi lại bao gồm tại cả tâm dịch lúc đó là bang Washington.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng số lao động mất việc thực tế có thể cao hơn con số 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong tháng 3 do nhiều người chưa thể hoàn thành đơn đăng ký do các trang web và số điện thoại của các văn phòng thất nghiệp của bang đang quá tải.
Quốc hội đã bổ sung ngân sách gần 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ văn phòng bảo hiểm thất nghiệp của các bang cũng như cấp thêm 260 tỷ USD để nâng mức hỗ trợ thất nghiệp hàng tuần lên 600 USD. Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ đang gặp khó khăn để được nhận khoản tiếp này do chính phủ liên bang đang chật vật đẩy nhanh tốc độ cần thiết để đối phó với đại dịch.
Theo JPMorgan Chase Insititute, một nửa các doanh nghiệp nhỏ hiện chỉ đủ tiền mặt để trang trải các chi phí trong vòng 15 ngày. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch lan rộng tới rất nhiều lĩnh vực, khoảng 1 trong 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ phá sản, theo Joseph Brusuelas, Chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn kiểm toán RSM chuyên về thị trường vừa. Nếu các doanh nghiệp đóng cửa, họ sẽ không thuê lại người lao động. Chuyên gia này cũng cho biết “Các công ty với dưới 100 nhân viên là những công ty cần được trợ giúp nhất.”
Một yếu tố khác có thể cản sự hồi phục đó là một số những khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở Mỹ là các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Chicago, Seattle và Detroit, những nơi đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Một báo cáo mới đây của Viện Brookings cho biết có 50 hạt với số người mắc Covid-19 lớn nhất tạo ra 60 triệu việc làm và đóng góp tới 1-3 kinh tế Mỹ.
Thiệt hại về kinh tế đang lan rộng ra cả nước Mỹ, ngay cả tại các thành phố chưa có tỷ lệ lây nhiễm cao, và đây là minh chứng về việc các chuỗi cung ứng đan xen với nhau như thế nào.
Đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ giảm dần vào mùa Hè và các chuyên gia kinh tế kỳ vọng kinh tế sẽ dần phục hồi trong nửa sau của năm khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Trong khi đó, gói hỗ trợ 2.200 tỷ USD mới được quốc hội thông qua có khoản xóa nợ đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ để khuyến khích các doanh nghiệp này giữ lại nhân viên của mình.
Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm nhân viên và nỗi lo ngại về lây nhiễm kéo dài của người tiêu dùng có thể khiến nền kinh tế Mỹ đình trệ trong một thời gian với tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ giảm nhưng sẽ duy trì ở mức cao so với những thời điểm trước khủng hoảng./.
Theo VOV-Washington