Làn sóng thứ nhất Covid-19 chưa qua

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, toàn cầu hiện ở giữa làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19; còn những nơi đại dịch đang giảm vẫn có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch quá sớm.

Trong 10 ngày qua, các nhà chức trách ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hơn 9 triệu người trong tổng số 11 triệu dân. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong 10 ngày qua, các nhà chức trách ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hơn 9 triệu người trong tổng số 11 triệu dân. Ảnh: AFP/Getty Images

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25-5 (giờ địa phương), TS. Michael Ryan - Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói rằng, thế giới đang ở giữa làn sóng thứ nhất của Covid-19, và dù số ca nhiễm mới ở nhiều nước đang giảm dần thì vẫn có sự gia tăng ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi. “Chúng ta hiện không ở trong làn sóng thứ hai. Chúng ta đang ở giữa làn sóng thứ nhất”, TS. Ryan nhấn mạnh.

Hãng AP dẫn lời vị quan chức nói trên của WHO nhận định, dịch bệnh thường xảy ra theo nhiều đợt, nghĩa là các đợt bùng phát Covid-19 có thể trở lại vào cuối năm nay ở những nơi đã khống chế được. “Chúng ta vẫn ở giai đoạn mà đường cong dịch bệnh đang theo hướng đi lên. Chúng ta cần hiểu rõ một thực tế, đó là dịch bệnh có thể tăng đột biến bất kỳ lúc nào. Chúng ta không thể cho rằng, dịch bệnh đang có chiều hướng đi xuống thì nó sẽ tiếp tục đi xuống và chúng ta có thể có vài tháng để chuẩn bị cho làn sóng thứ hai. Theo đó, chúng ta có thể phải đối mặt với đỉnh dịch thứ hai”, ông Ryan nói.

Hãng NBC News cho hay, TS. Ryan đánh giá tỷ lệ lây nhiễm sẽ có cơ hội gia tăng trở lại nhanh chóng hơn nếu các nước sớm dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ nhất. Không những thế, ông Ryan khuyến cáo, châu Âu, Bắc Mỹ nên tiếp tục thực hiện những biện pháp y tế công cộng và xã hội, biện pháp giám sát, biện pháp xét nghiệm; đồng thời có chiến lược toàn diện để đẩy lùi dịch bệnh, không để xảy ra làn sóng thứ hai.

Hiện thế giới có hơn 5,4 triệu người mắc Covid-19 và 346.000 ca tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất với hơn 1,6 triệu ca nhiễm và 98.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Nhiều bang ở Mỹ đã nới lỏng lệnh phong tỏa nhưng duy trì khuyến cáo giãn cách xã hội. Theo hãng AP, người dân trên khắp nước Mỹ những ngày qua đổ xô đến các bãi biển, công viên, khu vui chơi…

Ở bang New York, người dân bắt đầu ra ngoài vui chơi và tuân thủ quy định mang khẩu trang. Giới chức bang California cho phép các doanh nghiệp và nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo mở cửa trở lại với công suất 25% và đi kèm những hạn chế như duy trì khoảng cách 6 feet (1,82m), đeo khẩu trang, dàn hợp xướng tại nhà thờ được khuyến khích biểu diễn ngoài trời…

Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic ngày 25-5 tuyên bố quốc gia này là nước đầu tiên không còn SARS-CoV-2 ở châu Âu, kết thúc 68 ngày chống lại đại dịch. Montenegro có 324 ca nhiễm và 9 ca tử vong.

Các nước châu Âu cũng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Theo hãng Reuters, tại Tây Ban Nha, từ ngày 1-7, chính phủ không yêu cầu cách ly bắt buộc trong 2 tuần đối với du khách nước ngoài và bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn y tế.

Đây là nỗ lực của Tây Ban Nha trong việc cứu ngành du lịch vốn chiếm đến 12% GDP, để từ đó cứu vãn đà suy thoái kinh tế. Từ ngày 25-5, người dân ở thủ đô Madrid trở lại cuộc sống thường nhật; các nhà hàng, bar mở cửa trở lại với 50% công suất. Song, giới chức nghiêm cấm việc tụ tập quá 10 người và yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho phép các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu mở cửa trở lại từ ngày 15-6 nếu tình hình đại dịch vẫn trong tầm kiểm soát. Từ ngày 1-6, các khu chợ ngoài trời và các phòng trưng bày xe hơi cũng có thể mở cửa…

Ở khu vực châu Á, Nhật Bản chấm dứt hoàn toàn tình trạng khẩn cấp trên cả nước, chính thức kết thúc giai đoạn 1 trong cuộc chiến chống Covid-19 để bước vào giai đoạn tiếp theo trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế. Hiện Nhật Bản có hơn 16.600 ca nhiễm và 839 ca tử vong.

Ngày 26-5, Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng. Từng là một trong những tâm dịch lớn, Hàn Quốc đang tìm kiếm hàng chục trường hợp liên quan các câu lạc bộ đêm và những điểm giải trí ở khu phố Itaewon, thủ đô Seoul.

Trong khi đó, mặc dù các nhà chức trách nới lỏng lệnh giới nghiêm ở hai khu vực chính, trong đó có thủ đô Colombo, nhưng cảnh sát Sri Lanka cảnh báo, từ ngày 26-5, những ai không tuân thủ quy định giãn cách xã hội sẽ bị bắt giữ. Lệnh giới nghiêm trên cả nước vẫn có hiệu lực từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau ở Sri Lanka.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.