Các nhà chức trách Lebanon đang tiến hành điều tra vụ nổ kinh hoàng được ví là “kinh hoàng như ngày tận thế” tại khu vực cảng Beirut trong lúc số người chết và bị thương không ngừng tăng lên.
Lực lượng cứu hộ đưa những người bị thương ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AP |
Báo New York Times dẫn thông tin từ các quan chức y tế Lebanon xác nhận, tính đến ngày 6-8, có ít nhất 135 người chết và 5.000 người khác bị thương trong vụ nổ kinh hoàng vào đêm 4-8.
Ngày 5-8, đội cứu hộ vẫn tìm kiếm những người bị vùi trong lớp đất đá của những tòa nhà bị san phẳng. Người dân Lebanon cũng đào bới để tìm người thân. Trước mắt họ là cảnh tan hoang, xơ xác như thành phố vừa trải qua chiến tranh. Không còn những khu vực sôi động và giàu có nhất ở thủ đô Beirut, mà chỉ ngổn ngang những đống đổ nát. Người dân Beirut thậm chí không hiểu chuyện gì xảy ra; họ bắt đầu một ngày mới (ngày 6-8) bằng những lời cầu nguyện và cả nước mắt. Thủ tướng Lebanon tuyên bố 3 ngày quốc tang, kể từ ngày 6-8.
Sức công phá của vụ nổ tương đương với từ vài trăm đến 1.000 tấn TNT, lớn gấp nhiều lần loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ (bom MOAB). Con số thương vong sẽ tiếp tục tăng lên khi nhiều thi thể được tìm thấy. Hãng Reuters cho hay, hiện vẫn còn khoảng 100 người mất tích. Thị trưởng Beirut, ông Marwan Aboud, xác nhận hơn 300.000 người ở thành phố 2,2 triệu dân này chỉ sau một đêm đã bị mất nhà cửa.
Nhiều gia đình tập trung gần khu vực cảng để tìm thông tin về những người mất tích, đồng thời bày tỏ sự tức giận về sự quản lý yếu kém và bất cẩn của chính quyền Beirut. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, vì sao lại để số lượng lớn hóa chất nguy hiểm trong nhà kho ở cảng Beirut suốt 6 năm. Người dân vốn bức xúc trước cuộc khủng hoảng tài chính ở Lebanon, nay những thông tin ban đầu về nguyên nhân thảm họa là do sự tắc trách của các quan chức thì có thể sẽ châm ngòi làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.
Quản thúc tại nhà tất cả quan chức liên quan
Theo Reuters, một ủy ban điều tra đã được thành lập và đơn vị này có tối đa 4 ngày để đưa ra một báo cáo chi tiết. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, sự lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Hơn 2.700 tấn amoni nitrat - nguyên liệu làm phân bón và chế tạo bom, đã được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ nổ. Số hóa chất này nằm ở kho cảng Beirut từ năm 2013 sau khi chính quyền tịch thu chúng từ một con tàu. Chưa rõ vì sao số amoni nitrat này phát nổ, nhưng báo chí địa phương dẫn lời ông Hassan Kraytem, Giám đốc Cảng Beirut, cho biết vài giờ trước vụ nổ, các nhân viên đã tiến hành bảo dưỡng cửa nhà kho và Ban quản lý cảng nhiều lần đề nghị đưa toàn bộ số amoni nitrat ra khỏi khu vực cảng nhưng không được giải quyết.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun cam kết điều tra minh bạch và trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm. Sau cuộc họp nội các ngày 5-8, chính phủ Lebanon yêu cầu quản thúc tại nhà tất cả quan chức phụ trách công tác giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014. Hiện cũng không có bằng chứng nào cho thấy vụ nổ này là một cuộc tấn công.
Trong số những người bị thương có 24 công dân Pháp. Tối 5-8, tháp Eiffel tắt đèn sớm hơn 1 giờ để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ nổ. Các công tố viên Pháp cũng mở cuộc điều tra về vụ việc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Beirut vào ngày 6-8 cùng lực lượng và thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp. Người đứng đầu Điện Élysée khẳng định sẽ phối hợp để viện trợ cho Lebanon nhưng yêu cầu quốc gia này phải cải cách.
Thảm họa xảy ra trong lúc Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần ở Beirut, đồng thời phê chuẩn khoản chi bổ sung khoảng 66 triệu USD để giải quyết khủng hoảng. Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Lebanon Raoul Nehme cho biết, kho ngũ cốc quan trọng nhất đặt tại cảng Beirut đã bị phá hủy trong vụ nổ, trong khi quốc gia này cần nguồn dự trữ ngũ cốc đủ để cung cấp ít nhất trong vòng 3 tháng. Đó là chưa kể Lebanon đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. Ông Michel Aoun đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu với đài truyền hình Al-Hadath của Saudi Arabia ngày 6-8, Thị trưởng Beirut Marwan Abboud ước tính thiệt hại của vụ nổ lên đến 10-15 tỷ USD. Nhà kinh tế học Lebanon Roy Badaro nói với hãng ABC News rằng, việc khôi phục nền kinh tế sau thảm họa vượt quá khả năng của người dân quốc gia này. Lebanon hiện có 6 triệu dân, trong đó có đến 1,5 triệu người là người tị nạn Syria. |
PHÚC NGUYÊN