Quốc tế
Kim loại: Nhân tố mới trong cạnh tranh thương mại toàn cầu
Kim loại và nguyên liệu thô sẽ dần thay thế nhiên liệu hóa thạch vì là mặt hàng được săn đón trong cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu thời gian tới. Ngay cả khi khủng hoảng khí đốt ở châu Âu thuyên giảm thì các nhà sản xuất phương Tây cũng sẽ tìm cách kìm hãm vai trò đầu tàu của Trung Quốc về khai thác các loại nguyên liệu thô vốn được xem là “chìa khóa” cho nền kinh tế xanh.
Nhu cầu về kim loại thiết yếu cho ngành sản xuất công nghiệp đang gia tăng. TRONG ẢNH: Mỏ khai thác niken Avebury ở phía tây Tasmania (Úc). Ảnh: Australian Mining |
Xung đột Nga-Ukraine đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới, cản trở dòng chảy tự do của dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên thị trường quốc tế trong nhiều thập niên qua khi Mỹ và châu Âu áp một loạt lệnh trừng phạt lên Nga khiến thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong tình thế nguồn cung các nhiên liệu hóa thạch này còn bấp bênh, kim loại và nguyên liệu thô đang trỗi dậy trong cạnh tranh Đông - Tây.
Gia tăng nhu cầu về kim loại quan trọng
Theo Reuters, châu Âu cần tổng cộng 5.300 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch vào năm 2050 để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tham vọng này đòi hỏi tăng gấp 6 lần sản lượng đồng, lithium, than chì, niken và một số loại đất hiếm toàn cầu vào năm 2040, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Trung Quốc vẫn giữ lá bài chiến lược về kim loại khi đứng đầu trong việc khai thác và tinh chế nhiều kim loại thô quan trọng đối với cỗ máy công nghiệp. Cường quốc này tinh chế 58% lithium được sản xuất toàn cầu, 65% coban và hơn 1/3 niken và đồng. Nga cũng không hề kém cạnh khi sở hữu khối lượng lớn niken, palladi và cobalt. Châu Âu dường như dễ bị tổn thương trước các động thái của hai nước này trên thị trường nguyên liệu thô bởi lục địa này nhập khẩu từ 75% đến 100% hầu hết các kim loại.
Bài xã luận gần đây trên Washington post có tựa đề “Tương lai phụ thuộc vào chip. Mỹ đã sẵn sàng chưa?” lập luận, chip rất quan trọng đối với mặt trận an ninh của Mỹ và năng lực cạnh tranh của nước này. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ phải xoay xở ra sao trong lúc nguồn cung các kim loại thiết yếu để sản xuất chip ngày càng khan hiếm. Thực trạng này có thể hạn chế đáng kể khả năng tự cung cấp công nghệ, cạnh tranh công nghiệp của nước này. Không có cách nào để bảo đảm an ninh của Washington nếu không duy trì nguồn tài chính bền vững cho sự phát triển của chuỗi cung ứng kim loại hiếm toàn cầu.
Tăng cường tái chế
Để giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ các “ông lớn” khoáng sản, các công ty phương Tây đang tìm cách đạt thỏa thuận với các nhà cung cấp ở các quốc gia thân thiện về đầu tư khai khoáng các mỏ hoặc tăng cường tái chế. Theo Fitch Solutions, trong năm nay, các nhà sản xuất ô-tô đã tăng cường hợp tác với các mỏ khoáng sản và đầu tư trực tiếp vào các dự án khai thác mỏ.
Đơn cử, tập đoàn xe hơi General Motors (Mỹ) đầu tư 69 triệu USD và sở hữu cổ phần tại công ty khai mỏ Queensland Pacific Metals (Úc) nhằm bảo đảm nguồn cung nickel và cobalt cho sản xuất pin ô-tô. Hãng này cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp dòng xe điện (EV) của họ đáp ứng điều kiện được miễn thuế tiêu dùng theo các khoản tín dụng thuế mới về năng lượng sạch của Mỹ; đồng thời dự kiến khai thác và xử lý quặng đá ong nickel theo quy trình mới giúp giảm chất thải. Tập đoàn khai thác Sibanye Stillwater đặt mục tiêu vận hành mỏ lithium đầu tiên của châu Âu ở Phần Lan vào năm 2025. Tương tự, công ty Imerys (Pháp) tìm cách khai thác 34.000 tấn lithium hydroxit hằng năm từ một mỏ khai thác vào năm 2028. Nếu tất cả các dự án khai thác lithium của châu Âu được thực hiện, chúng có thể cung cấp khoảng 40% nhu cầu hằng năm dự kiến là 600.000 tấn lithium carbonate vào năm 2030. Mỹ, vốn chỉ nắm giữ 3% trữ lượng lithium của thế giới, đã thông qua luật trợ cấp cho việc khai thác các nguyên liệu quan trọng trong nước.
Thực ra, khai khoáng ở các thị trường phát triển có thể đồng nghĩa với tác động môi trường ngày một gia tăng. Đó là lý do tại sao sự lựa chọn tốt nhất của các quốc gia phương Tây là tái chế kim loại từ các thiết bị đã qua sử dụng. Các công ty như Umicore và Redwood Materials đã sở hữu công nghệ tái sử dụng pin và điện thoại thông minh. Theo Fitch Solutions, châu Âu tái chế 17% sản lượng pin toàn cầu và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 48% vào năm 2025.
Công ty Li-Cycle (Canada) hiện là nhà tái chế pin lithium-ion cho xe điện lớn nhất ở Bắc Mỹ đang tăng tốc trong ngành thủy luyện. Phương pháp của Li-Cycle có thể phục hồi cobalt, lithium và cả niken trong một dạng đủ tinh khiết để những kim loại đó được sử dụng trực tiếp để tạo ra pin mới. Quy trình này tái chế 95% vật liệu của pin. Doanh nghiệp này sẽ sớm hoàn thành trung tâm thương mại đầu tiên của mình ở New York và xây dựng các trung tâm khác trên khắp thế giới vào năm 2025. Dù tái chế là giải pháp rất tốn kém. Tuy nhiên, trong một thế giới đang phân cực, việc đầu tư vào lĩnh vực này cũng góp phần giúp bảo vệ các ngành công nghiệp và việc làm của phương Tây.
THƯ LÊ