Quốc tế
Vì sao Trung Quốc muốn dàn xếp xung đột tại Ukraine?
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ gửi phái đoàn ngoại giao cùng một đặc phái viên, người đại diện cho chính phủ Trung Quốc giải quyết các vấn đề ở khu vực châu Âu, tới Kiev để thảo luận “giải pháp chính trị” cho xung đột Nga - Ukraine.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 26-4. Ảnh: TNS |
Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với ông Tập Cận Bình. Cuộc điện đàm gần nhất trước đó là vào tháng 1-2022, và đó là dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Kiev chủ động liên lạc
Theo Reuters, cuộc điện thoại kéo dài gần một giờ ngày 26-4 giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Zelensky là việc được dự đoán sớm muộn cũng sẽ diễn ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố muốn làm trung gian dàn xếp và tìm lối ra cho cuộc xung đột. Những động thái của Trung Quốc liên quan xung đột Nga - Ukraine được dư luận theo sát, bởi lẽ Trung Quốc là nước lớn duy nhất hiện có quan hệ hữu hảo với Moscow. Trung Quốc cũng là đối tác mua dầu và khí đốt lớn nhất của Nga sau khi Mỹ và các đồng minh áp trừng phạt và cắt giảm hầu hết các hợp đồng mua năng lượng của Nga.
Trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tiến triển theo những cách thức phức tạp thời gian qua, và gây những ảnh hưởng lớn tới thế giới nói chung. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ luôn đứng về hòa bình, và lập trường cốt lõi là thúc đẩy đối thoại hòa bình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh, bất kể tình hình thế giới diễn biến thế nào, Trung Quốc sẽ cùng Ukraine thúc đẩy chương trình hợp tác có lợi cho cả hai bên.
Để sang một bên những ngôn từ ngoại giao thường thấy ở những sự kiện tương tự, có thể thấy trong khi ông Tập Cận Bình vẫn giữ thế trung lập cần thiết và không lên án cuộc chiến tại Ukraine, thì ông Zelensky cũng không muốn phủ nhận vai trò trung gian của Trung Quốc. Ukraine hiểu rất rõ quốc gia tỷ dân và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn sẽ là đối tác thương mại không thể thiếu của Kiev khi chiến sự kết thúc.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh cuộc điện đàm, cho rằng đây là bước đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang thực hiện trách nhiệm của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh đây là bước đầu quan trọng trong việc xây dựng tiến trình hòa bình. Trong khi đó, Bộ ngoại giao Nga cho rằng: “Chính quyền Ukraine và những nước phương Tây bảo trợ cho họ đã chứng tỏ khả năng làm rối loạn mọi sáng kiến hòa bình”.
Trung Quốc và vị thế mới
Giới quan sát phương Tây nhận định, trong thông cáo chính thức tóm tắt nội dung sau cuộc điện đàm, Bắc Kinh chỉ nhấn mạnh nhu cầu cần có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và cảnh báo về sự leo thang nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn kiên định lập trường cho rằng chỉ có đối thoại và thương thuyết mới là giải pháp khả thi duy nhất để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tại Ukraine, và sẽ không ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân.
Trước đây, Bắc Kinh vẫn thường tránh việc can dự vào xung đột giữa các nước nhưng thời gian qua điều này dường như đã và đang thay đổi, ngày càng rõ nét hơn. Giới quan sát phương Tây cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đang muốn tạo dựng vai trò to lớn hơn của nước này trong hoạt động ngoại giao quốc tế, và đó là một phần trong chiến dịch khôi phục vị thế của Bắc Kinh như một quốc gia dẫn dắt về kinh tế và chính trị của thế giới. Điều này dường như là sự thay đổi trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh sau nhiều thập niên chủ yếu tập trung cho nỗ lực phát triển kinh tế trong nước.
Gần nhất, tháng 3-2023, Trung Quốc thành công khi làm trung gian dàn xếp đối thoại giữa hai quốc gia đối đầu một thời ở Trung Đông là Saudi Arabia và Iran, giúp khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm ngắt quãng. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng là nước trung gian giúp thúc đẩy hòa bình cho Israel và Palestine. Việc trở thành trung gian đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Âu, khu vực mà thời gian qua Bắc Kinh đã cố gắng gây dựng quan hệ với chính phủ nhiều nước ở khu vực này.
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraine bổ nhiệm ông Pavel Ryabikin, cựu Bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược của Ukraine, làm đại sứ mới tại Trung Quốc. Ukraine đã không có đại sứ tại Trung Quốc kể từ tháng 2-2021. Trên Twitter, Tổng thống Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng cuộc điện đàm, cũng như việc bổ nhiệm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mối quan hệ song phương. |
TRẦN ĐẮC LUÂN