Bất chấp lệnh trừng phạt, các nước phương Tây vẫn mua dầu và khí đốt của Nga

.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết các quốc gia phương Tây vẫn không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và EU áp đặt đối với Moskva.

Tầu chở dầu neo đậu tại khu cảng Novorossiysk của Nga. Ảnh: Sputnik
Tầu chở dầu neo đậu tại khu cảng Novorossiysk của Nga. Ảnh: Sputnik

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 1, ông Shulginov xác nhận việc các nước phương Tây đều tìm phương thức “lách luật” để nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể về tuyến đường thay thế được sử dụng để cung cấp năng lượng của Nga cho các khách hàng phương Tây.

Vào tháng 12-2022, EU, nhóm G7 và các đồng minh đã đưa ra lệnh cấm tập thể đối với hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga và áp mức giá trần là 60 USD/thùng. Một lệnh khác cấm nhập khẩu gần như tất cả các sản phẩm dầu của Nga, cũng như đưa ra giới hạn giá đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác.

Mặc dù các đường ống dẫn khí đốt của Nga không bị hạn chế, nhưng xuất khẩu khí đốt của Moskva sang EU đã giảm mạnh sau vụ phá hoại vào tháng 9/2022 nhằm các đường dẫn dầu dưới biển Nord Stream 1 và 2 (Dòng chảy phương Bắc) khiến chúng không thể hoạt động. Theo Politico, tính đến giữa tháng 5, EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc liệu các đường ống dẫn khí đốt của Nga có nên bị trừng phạt hay không.

Hồi tháng 3, hãng tin Bloomberg cho biết một số quốc gia EU đã tích cực mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, với Tây Ban Nha đứng đầu danh sách vào đầu năm 2023. Theo thống kê, khối lượng nhập khẩu sản phẩm này của Tây Ban Nha từ Nga đã tăng 84% kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Tây Ban Nha cũng là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga từ đầu năm đến nay, tiếp theo là Bỉ và Bulgaria.

Đầu tháng 5, EU đã đề xuất cấm các tàu vi phạm lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga vào các cảng và tuyến đường thủy của EU như một phần của gói trừng phạt mới.

Sau đó, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, đã kêu gọi khối này cấm nhiên liệu Ấn Độ sản xuất từ dầu của Nga. Theo thống kê, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng gấp 10 lần trong tài khóa kết thúc vào ngày 31-3.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.