Quốc tế

Một số nước EU lo ngại về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga

14:29, 09/06/2023 (GMT+7)

Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 8-6 dẫn nguồn tin từ Đài truyền hình RTBF của Bỉ cho biết, Hy Lạp và Hungary đã có động thái ngăn chặn dự thảo mới nhất về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga.

Các nước EU vẫn chưa thống nhất về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Ảnh: yetkinreport.com
Các nước EU vẫn chưa thống nhất về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Ảnh: yetkinreport.com

Cụ thể, Budapest và Athens đang yêu cầu loại bỏ một số công ty khỏi danh sách hỗ trợ các nỗ lực của Nga nhằm lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, theo RTBF, các nước EU không có phản đối mang tính hệ thống nào đối với gói trừng phạt mới nhất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.

Trong khi đó, tờ Politico của Mỹ trích dẫn nguồn tin từ 5 nhà ngoại giao EU cho biết, các đại diện thường trực của họ tại Brussels đang hướng tới mục tiêu hoàn thành gói trừng phạt thứ 11, nhưng với một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và vẫn chưa rõ liệu họ có đạt được mục tiêu hay không. Hiện cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt đã bị hoãn lại một tuần cho đến ngày 14-6.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã nhiều lần tuyên bố vào tháng 5 rằng gói trừng phạt thứ 11 sẽ tập trung vào việc thắt chặt các cơ chế thực thi lệnh trừng phạt. Mục đích là ngăn chặn nỗ lực của Nga trong phá vỡ lệnh phong tỏa, trừng phạt. Theo các quan chức EU, các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng đối với các công ty từ các nước thứ ba tái xuất hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.

Cuối tháng 5, một số nguồn tin ngoại giao và truyền thông châu Âu đưa tin dự thảo ban đầu về gói trừng phạt của EC đã bị các nước thành viên EU bác bỏ và gửi lại để sửa đổi, lo ngại các biện pháp đó sẽ chỉ làm cô lập EU trên trường quốc tế.

Như vậy, gói trừng phạt thứ 11 tập trung vào việc chống lách các lệnh trừng phạt hiện có và bao gồm một cơ chế mới để trừng phạt các quốc gia bên ngoài EU cho phép trốn tránh lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, điều này rất nhạy cảm đối với một số nước EU, bao gồm cả Đức, vốn lo ngại luật mới có thể làm tổn hại đến quan hệ với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Để xoa dịu những lo ngại đó, EU đã giảm bớt một số đề xuất ban đầu từ EC. Trong khi đó, Hy Lạp và Hungary cho biết sẽ ngăn chặn thỏa thuận nếu Ukraine vẫn liệt một số công ty của họ vào danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh”.

Cũng trong ngày 8-6, tờ Politico dẫn lời Jim O'Brien, Giám đốc Văn phòng Điều phối Trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, lưu ý các lô hàng vi mạch và linh kiện điện tử quan trọng đến Nga đã trở lại mức trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn chúng thông qua các biện pháp trừng phạt. Tờ báo lưu ý rằng Nga đang cải thiện khả năng chống lại các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Theo Báo Tin tức

.