Quốc tế
Thế giới tuần qua: Chiến sự Nga-Ukraine dồn dập diễn biến nóng; cựu Tổng thống Trump đối mặt 37 tội danh hình sự
Tuần qua, thế giới nổi lên nhiều sự kiện đáng chú ý, đặc biệt là những diễn biến mới nhất tại chiến trường Nga-Ukraine liên quan đến cuộc phản công của Kiev và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố lần 2. Ngoài ra, OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu và đối đầu Mỹ-Trung "phủ bóng" Đối thoại Shangri-La 2023 cũng đáng được quan tâm.
Đập thủy điện Kakhovka ở thị trấn Nova Kakhovka, miền Nam Ukraine bị vỡ, ngày 6-6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 9-6 vừa qua, hai phía Nga và Ukraine đều báo cáo xảy ra giao tranh ác liệt ở các điểm nóng chiến sự. Các blogger quân sự miêu tả đây cũng là lần đầu tiên các xe tăng do Đức và Mỹ viện trợ đã được nhìn thấy triển khai trên chiến trường, báo hiệu rằng cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine đang được tiến hành.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 2 cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam Orikhiv và 4 cuộc tấn công gần Velyka Novosilka.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar chỉ nói rằng các trận chiến ở Velyka Novosilka vẫn đang tiếp diễn và quân đội Nga đang tích cực phòng thủ tại Orikhiv. Ukraine cũng báo cáo đạt được những bước tiến xung quanh “điểm nóng” Bakhmut ở phía Đông.
Tính đến thời điểm tại, giới quan sát hầu như vẫn chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo độc lập nào từ tiền tuyến nên không thể đánh giá liệu Ukraine có xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga trong nỗ lực phản công hay không.
"Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc phản công đã bắt đầu. Mặc dù vậy, quân đội Ukraine đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại thành phố Sochi.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Voldymyr Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận các chiến thuật và những “thành tích" mà quân đội đã đạt được với các nhà lãnh đạo quân sự nhưng cho đến nay, thông tin chi tiết vẫn được giấu kín.
Cuộc phản công chiến lược của Ukraine dự kiến có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ Ukraine được phương Tây huấn luyện và trang bị. Tổng cộng, Kiev có 12 lữ đoàn với tổng số 50.000-60.000 quân sẵn sàng tung ra tham gia phản công. Chín trong số các lữ đoàn đã được phương Tây vũ trang và huấn luyện. Trong ngày 9-6, Mỹ đã công bố viện trợ 2,1 tỷ USD, bao gồm thiết bị phòng không và đạn dược.
Bên cạnh các cuộc giao tranh khốc liệt, tình hình Ukraine-Nga một lần nữa nóng hơn khi đập Nova Kakhovka trên sông Dnipro bị vỡ vào sáng 6-6. Con đập được coi là mục tiêu tiềm năng vì có tầm quan trọng chiến lược và có thể gây thiệt hại lớn nếu bị phá hủy. Tới nay, cả Nga và Ukraine vẫn đang đổ lỗi cho nhau, nhưng đều không đưa ra bằng chứng. Vụ vỡ đập Nova Kakhovka đã gây ra ngập lụt lớn phía dưới hạ du, khiến nhiều làng mạc và thị trấn ở miền Nam Ukraine chìm trong biển nước. Đáng chú ý là đập Nova Kakhovka cung cấp nguồn nước làm mát chính của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu. Các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Zaporizhzhia cho biết không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức tại nhà máy này, bởi vì các bể làm mát đã đầy. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong tương lai nếu hồ chứa phía sau đập bị cạn nước đáng kể. Do đó, vụ vỡ đập không chỉ gây ra thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn, mà hồi chuông về thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ vụ Chernobyl đã được gióng lên.
Cựu Tổng thống Trump bị truy tố lần 2
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố một lần nữa, lần này liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật sau khi ông rời Nhà Trắng.
Ngày 9-6, ông Trump đã bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về 37 tội danh. Bộ này nêu rõ: “Việc tiết lộ trái phép các tài liệu mật này có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ”.
Ông Trump cho biết mình đã nhận được lệnh triệu tập ra tòa án liên bang tại Miami vào ngày 13-6 tới. Trong tuyên bố đang trên mạng xã hội, ông Trump đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Năm ngoái, chính phủ liên bang đã thu hồi hơn 300 tài liệu có đóng dấu mật từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump, bao gồm một số tài liệu được dán nhãn “tuyệt mật” mà FBI đã thu giữ trong một cuộc đột kích diễn ra vài tháng sau khi các luật sư của ông Trump giao nộp 15 hộp tài liệu ban đầu. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978, các tài liệu của Nhà Trắng được coi là tài sản của chính phủ Mỹ và phải được bảo quản.
Bản cáo trạng mới được đưa ra hai tháng sau khi cựu lãnh đạo Mỹ bị buộc tội tại tòa án bang New York vì cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản tiền "bịt miệng" cho một ngôi sao khiêu dâm. Nhưng bản cáo trạng liên bang trong cuộc điều tra tài liệu mật sẽ khác ở nhiều khía cạnh so với các cáo buộc ở New York và có thể gây ra những rủi ro pháp lý nghiêm trọng hơn nhiều cho ông Trump.
Đối đầu Mỹ-Trung làm nóng Đối thoại Shangri-La 2023
Mặc dù còn nhiều căng thẳng, thách thức an ninh đang tiềm ẩn, Đối thoại Shangri-La năm nay mang đến nhiều hy vọng tìm ra cách tiếp cận mới.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 đã bế mạc vào ngày 4-6 tại Singapore sau 3 ngày nhóm họp với sự tham gia của hơn 600 đại biển đến từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trọng tâm đối thoại năm nay là mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng những tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với châu Á và nguy cơ tiềm ẩn ở các “điểm nóng” như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông.
Tại đối thoại, lãnh đạo an ninh nhiều nước cho rằng “chìa khóa” để mở ra cánh cửa, thực hiện mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương là việc thượng tôn luật pháp quốc tế và ưu tiên đối thoại. Đối thoại, trao đổi là điều rất cần thiết, càng trao đổi nhiều càng tránh được những hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột.
Trong bài phát biểu vào ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mặc dù Bắc Kinh tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á-Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện, không phải là kết thân theo nhóm nhỏ. Bộ trưởng Lý Thượng Phúc khẳng định giữa Trung Quốc và Mỹ có các hệ thống và nhiều khía cạnh khác nhau, song điều này không nên ngăn cản hai bên tìm những điểm chung và lợi ích chung để phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc thêm hợp tác.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng việc Bắc Kinh từ chối tổ chức đàm phán bên lề cuộc họp ở Singapore lần này đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực.
OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng
Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Arabia Aramco ở Dammam. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau cuộc họp tại Vienna ngày 4-6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mở và đối tác, gọi tắt là OPEC + đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. OPEC + cho rằng sự thay đổi trên nhằm duy trì sự ổn định và đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường dầu mỏ.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông báo trong tháng 7-2023, nước này sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu Riyadh thấy cần thiết.
Theo giới quan sát, đợt cắt giảm mới này có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao trong ngắn hạn, nhưng tác động sau đó sẽ phụ thuộc vào việc Saudi Arabia có quyết định gia hạn việc cắt giảm hay không. Saudi Arabia cần duy trì doanh thu cao từ dầu mỏ để tài trợ cho các dự án phát triển đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, họ cũng phải tính đến tác động của giá cao hơn đối với các nước tiêu thụ dầu mỏ. Giá dầu tăng quá cao có thể thúc đẩy lạm phát, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và đẩy các ngân hàng trung ương như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hướng tới tăng lãi suất hơn nữa - nguyên nhân có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Việc Saudi Arabia cảm thấy cần tiến hành một đợt cắt giảm nữa cho thấy triển vọng bấp bênh về nhu cầu nhiên liệu trong những tháng tới. Hiện có những lo ngại về kinh tế Mỹ và châu Âu suy yếu, trong khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 không mạnh mẽ như kỳ vọng của nhiều người.
Các nước OPEC+ sản xuất khoảng 60% lượng dầu của thế giới. Cuộc họp tiếp theo của nhóm dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tới.
NATO, Mỹ và Nga rầm rộ tập trận đồng loạt
Vùng biển Baltic đã trở nên nhộn nhịp với các hoạt động diễn tập từ các lực lượng của Nga và 19 quốc gia thành viên NATO.
Ngày 5-6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Hạm đội Baltic đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân trên biển và trên bộ tại vùng Kaliningrad. Theo hãng tin TASS, từ ngày 5-15-6, cuộc tập trận tác chiến đã bắt đầu được triển khai tại Biển Baltic và tại các thao trường huấn luyện chiến đấu ở Kaliningrad. Khoảng 40 tàu chiến, hơn 3.500 binh sĩ, 25 máy bay và máy bay trực thăng cùng 500 thiết bị quân sự được huy động tham gia tập trận. Mục đích của cuộc tập trận là nâng cao mức độ sẵn sàng của các cơ quan chỉ huy quân sự Hạm đội Baltic, hoàn thiện khả năng hợp đồng tác chiến, kĩ năng tác chiến trên biển và trên bộ của lực lượng cũng như thực tế chỉ huy của bộ chỉ huy và bộ tham mưu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng hải và căn cứ đóng quân của hạm đội.
Tại vùng Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk, Nga cũng bắt đầu các cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của hơn 60 tàu chiến và tàu hỗ trợ, 35 máy bay và hơn 11.000 binh sĩ. Cuộc tập trận kéo dài đến hết ngày 20-6.
Trước đó một ngày, NATO đã bắt đầu các cuộc tập trận thường niên có sự tham của 6.000 binh sĩ, 50 tàu chiến và khoảng 45 máy bay chiến đấu, trong Phần Lan lần đầu tiên tham gia với tư cách thành viên liên minh.
Về phía Mỹ, ngày 6-6, nước này cùng với Nhật Bản, Australia và Canada đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 3 ngày trên biển Hoa Đông nhằm tăng cường khả năng tương tác.
Cuộc tập trận nằm trong khuôn khổ Cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn năm 2023 (LSGE2023) của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cuộc tập trận có sự tham gia của 5 tàu, gồm tàu khu trục Shiranui của Nhật Bản, tàu khu trục USS Chung-Hoon của Mỹ, khinh hạm lớp Anzac của Australia cùng khinh hạm Montreal và tàu container thương mại Asterix của Canada. Đây là cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của 4 quốc gia trên ở biển Hoa Đông.
Theo baotintuc.vn