Quốc tế
'Nghịch lý' khi giá gạo lên ngôi
Gạo là nguồn lương thực chính của hơn 3 tỷ người toàn cầu và nhu cầu về gạo cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, gần 90% loại cây lương thực này khi canh tác đều phải cần rất nhiều nước và hầu hết được sản xuất ở châu Á. Trong bối cảnh thay đổi khí hậu và địa chính trị ở nhiều khu vực liên tục biến động, nhất là xung đột ở Ukraine, đang tác động mạnh mẽ an ninh lương thực toàn cầu.
Nguyên nhân khiến giá gạo gần đây tăng mạnh là do nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm mạnh. Theo phân tích của Ngân hàng Fitch Solutions (Mỹ), thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất trong vòng 20 năm. Sản lượng gạo giảm khắp nơi từ Trung Quốc, Thái Lan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Việc Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thương mại toàn cầu, cấm xuất khẩu gạo trắng sẽ làm giảm khoảng 1/5 nguồn cung gạo trên thị trường thế giới. “Nối gót” Ấn Độ, một số nước như Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mới đây đều thông báo ngừng xuất khẩu gạo. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết: “Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% năm nay”.
Giá gạo hiện dao động ở mức cao nhất trong thập niên qua, một phần do nguồn cung thắt chặt hơn khi mặt hàng lương thực này trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn khi giá các loại ngũ cốc khác cũng tăng. Giá toàn cầu hiện nay của các loại gạo trên thế giới tăng khoảng 80 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm vào ngày 20-7. Các chuyên gia lo ngại giá gạo ở châu Á có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát?! Theo Bloomberg, nhiều người dân ở một số nước xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng tạp hóa để mua gạo dự trữ. Một số cửa hàng đã giới hạn lượng mua, nhưng cũng có nhiều cửa hàng lợi dụng tình trạng thiếu lương thực tạm thời để nâng giá lên cao.
Tuy nhiên, có “nghịch lý” đang khiến dư luận quốc tế hết sức quan tâm là trong khi giá gạo tăng cao, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng nhưng Thái Lan, nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chiếm khoảng 15% thị phần, thì lại kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa. Theo dự báo của trung tâm nghiên cứu Kasikorn (Thái Lan), sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm nay có thể giảm khoảng 6% xuống còn từ 25,1 đến 25,6 triệu tấn dưới tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Chính phủ Thái Lan trước đó cảnh báo El Nino có thể dẫn đến lượng mưa thấp bất thường và khuyên nông dân nên trồng một vụ trong năm nay thay vì hai vụ như bình thường.
Trong khi đó, ngày 2-8, Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan Surasri Kidtimonton cho biết, nông dân ở khu vực trọng điểm miền Trung đã gieo trồng phần lớn lúa nhưng chính phủ đang khuyến khích chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn. Theo tính toán của giới nhà khoa học, đối với mỗi kg gạo thô được trồng cần trung bình khoảng 2.500 lít nước trong khi các loại cây trồng thay thế như cây kê cần 650 đến 1.200 lít nước cho cùng một lượng thu hoạch. Thái Lan đang chuẩn bị ứng phó với đợt hạn hán có thể xảy ra năm tới do hiện tượng El Niño. Lượng mưa tích lũy cho đến nay ở miền trung Thái Lan thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường và động thái hạn chế trồng ngũ cốc là để giúp tiết kiệm nước cho việc tiêu dùng của các hộ gia đình.
Rõ ràng, việc Thái Lan khuyến khích nông dân giảm trồng lúa có thể đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu. Đây là “nghịch lý”, nhưng cũng cho thấy vấn đề mà cộng đồng quốc tế không phải không có trách nhiệm trong việc tích cực tìm tiếng nói chung tại các diễn đàn liên quan biến đổi khí hậu để có biện pháp hiệu quả hơn để giảm đà gia tăng nhiệt độ của trái đất, cũng như thúc đẩy sáng kiến hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
TUYẾT MINH