Quốc tế
Xuất khẩu nông sản của Nga trước triển vọng sáng sủa
Theo số liệu sơ bộ của Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU), trong tháng 7-2023, tháng đầu tiên của niên vụ mới, nước này đã xuất khẩu 5,68 triệu tấn ngũ cốc, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ niên vụ trước.
Thu hoạch lúa mì tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Nga đã xuất khẩu 4,54 triệu tấn lúa mỳ, tăng 1,5 lần và là mức kỷ lục. Xuất khẩu lúa mạch tăng 2,6 lần và ước tính sơ bộ là 822.000 tấn, trong khi xuất khẩu ngô ở mức 319.400 tấn (tăng 40,7%).
Các chuyên gia Đức lưu ý rằng những kết quả ấn tượng của Nga trong xuất khẩu nông sản khác, đặc biệt là dầu thực vật, không thể hiện rõ đằng sau những thành công của ngũ cốc.
Những nước mua nhiều lúa mỳ nhất của Nga là Saudi Arabia với 578.000 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ (518.0000 tấn) và Ai Cập (467.0000 tấn). Ngoài ra, lượng hàng lớn cũng được giao cho Israel với 345.000 tấn, Bangladesh với 222.000 tấn.
Các nước Mỹ Latinh đã trở thành những khách hàng mới mua lúa mỳ của Nga, với 62.000 tấn được bán cho Brazil, quốc gia nằm trong số 20 nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản và 49.000 tấn đã được chuyển đến Peru. Tháng 7 năm trước, Brazil và Peru không nhập khẩu lúa mỳ của Nga.
Có thể thấy khả năng hậu cần để xuất khẩu nông sản đã được mở rộng. Nếu vào tháng 7-2022, Nga xuất khẩu lúa mỳ đến 26 quốc gia, thì năm nay lúa mỳ của Nga đã đến 33 quốc gia. Số cảng xếp ngũ cốc cũng tăng lên 48 so với 35 của năm ngoái. Hơn nữa, việc vận chuyển hàng từ các cảng sông đang tăng lên. Nhìn chung, theo RGU, tiềm năng xuất khẩu của Nga trong niên vụ mới là 55-57 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 48-49 triệu tấn lúa mỳ.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, trong niên vụ 2023-24 kéo dài từ ngày 1-7-2023 đến ngày 30-6-2024, Nga có thể xuất khẩu tới 55 triệu tấn ngũ cốc. Trong niên vụ trước, Nga đã xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có khoảng 47 triệu tấn lúa mỳ, một kỷ lục của nước này. Các chuyên gia hy vọng vị thế của các nhà xuất khẩu Nga sẽ được cải thiện do sự đổ vỡ của "thỏa thuận ngũ cốc".
Theo các chuyên gia, xuất khẩu dầu thực vật cũng đang tăng trưởng với tốc độ thậm chí còn cao hơn so với ngũ cốc. Theo dự báo của German Oil World, xuất khẩu dầu thực vật của Nga trong niên vụ 2023-24 có thể tăng lên mức kỷ lục 6,38 triệu tấn. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, xuất khẩu dầu hướng dương sẽ đạt 4,37 triệu tấn, xuất khẩu dầu hạt cải tăng lên 1,32 triệu tấn, xuất khẩu dầu đậu nành đạt 0,7 triệu tấn. Liên minh Dầu và Chất béo Nga cho rằng Nga có thể lập kỷ lục về xuất khẩu dầu hướng dương trong hai niên vụ liên tiếp. Ông Mikhail Maltsev, Giám đốc điều hành của Liên minh dầu và chất béo, dự báo trong niên vụ này, Nga có thể bán 4 triệu tấn dầu này ra thị trường nước ngoài và 6,5 triệu tấn trong niên vụ tới.
Nhà phân tích của cơ quan phân tích-thông tin OleoScope, Kirill Lozovoy, điều chỉnh một chút dự báo, nhưng không phủ nhận đó sẽ là một kỷ lục. Theo ông, Nga có thể bán ra thị trường nước ngoài 6,2 triệu tấn dầu thực vật (hướng dương, đậu nành, dầu hạt cải) trong niên vụ 2022-23, trong đó có khoảng 3,9 triệu tấn dầu hướng dương sẽ được xuất khẩu, một kỷ lục mới. Chuyên gia này cho biết lượng dầu đậu nành xuất khẩu sẽ lên tới hơn 1,5 triệu tấn, các lô dầu hạt cải sẽ đạt 755.000 tấn. Kể từ đầu vụ, Nga đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn các loại dầu chính: 3,2 triệu tấn dầu hướng dương, 1,3 triệu tấn dầu đậu nành và 546.000 tấn dầu hạt cải. Trong nhiều năm, tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm dầu thực vật của Nga là do mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước thân thiện - Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Algeria, Iran. Thị trường nội địa từ lâu đã ổn định ở mức 3-3,2 triệu tấn trong những năm gần đây, trong khi thị trường xuất khẩu thì ngược lại, đang trên đà phát triển.
Theo các chuyên gia, với mức giá hiện tại, xuất khẩu dầu thực vật dự kiến sẽ đem về cho Nga hơn 6 tỷ USD. Theo dữ liệu của ITC Trade Map, năm 2022, Nga xếp thứ 17 trong số các nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, tăng thêm 1 bậc và tăng thị phần từ 1,9% lên 2,1% so với năm 2021. Năm 2019, Nga đã lọt vào Top 20 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với khối lượng nông sản xuất khẩu trị giá 25,5 tỷ USD và đứng vị trí thứ 19. Trong khi đó, Mỹ giữ vị trí số 1 với kim ngạch xuất khẩu 142 tỷ USD, Hà Lan ở vị trí thứ hai (109 tỷ USD), Đức thứ ba (85 tỷ USD), Brazil thứ tư (78 tỷ USD), và Trung Quốc xuất khẩu 77 tỷ USD nằm trong danh sách 5 nước xuất khẩu lớn nhất.
Năm 2022, theo Tổng cục Hải quan Liên bang Nga, nước này đã xuất khẩu lượng nông sản trị giá 41 tỷ USD. Phó Thủ tướng Nga Victoria Abramchenko mới đây cho biết việc đóng cửa các thị trường phương Tây không làm giảm xuất khẩu nông sản của Nga. Theo Eurostat, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tăng nhập khẩu nông sản Nga. Theo bà Nadezhda Kanygina, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Tổng thể, cho biết, năm 2022, Nga đã cung cấp thêm 57,9% chất béo và dầu có nguồn gốc thực vật và động vật cho các nước EU về giá trị và hơn 30,7% về khối lượng.
Theo Phó Thủ tướng Abramchenko, năm nay, Nga sẽ tăng khoảng 12% lượng lương thực xuất khẩu ra thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, kim ngạch xuất khẩu nông sản vào cuối năm 2023 sẽ lên tới ít nhất 42 tỷ USD. Theo trung tâm liên bang "Agroexport", phần lớn nhất trong xuất khẩu nông sản từ Nga năm ngoái là ngũ cốc (chiếm 32,3%). Các sản phẩm dầu-chất béo đứng ở vị trí thứ hai và đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất so với năm 2021. Ông Lozovoy cho biết, xuất khẩu dầu-chất béo tăng 22%, đạt 8,9 tỷ USD, chủ yếu là do giá thế giới tăng, đặc biệt là trong nửa đầu năm ngoái. Theo INFOLine, 881.000 tấn bột mỳ đã được xuất khẩu. Theo Chủ tịch Liên minh các Doanh nghiệp Bột và Ngũ cốc Nga, Arkady Gurevich, nước này có thể xuất khẩu thêm 5-7 triệu tấn bột mỳ mỗi năm.
10 năm trước, Nga còn phụ thuộc vào nhập khẩu thịt, nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 1 tỷ USD. Tổng cộng, Nga xuất khẩu khoảng 650.000 tấn sản phẩm thịt trong năm 2022 (tăng 100.000 tấn so với năm trước). Nga đã xuất khẩu hơn 74.000 tấn thịt lợn và nội tạng trong nửa đầu năm 2023, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Liên minh những người chăn nuôi lợn quốc gia dự báo nếu xu hướng này tiếp tục, năm 2023, xuất khẩu thịt lợn của Nga có thể lại đạt mức kỷ lục 220–230.000 tấn, trị giá 0,5 tỷ USD.
Năm 2022, khối lượng gia cầm xuất khẩu tăng 15%, lên hơn 350.000 tấn. Kể từ năm 2019, các công ty Nga đã tăng xuất khẩu gia cầm 68%. Ông Sergey Lakhtyukhov, Tổng giám đốc Hiệp hội chăn nuôi gia cầm quốc gia, cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu, hơn 90% là gà nội địa. Theo kết quả năm 2022, xuất khẩu thịt gà tây tăng 19% về lượng và 45% về giá trị, thịt vịt tăng hơn gấp đôi. Ông Lakhtyukhov ghi nhận sự gia tăng các lô hàng thịt gia cầm đến các quốc gia thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (tăng 56%) và Vịnh Ba Tư (tăng 68%).
Mặc dù vậy, xuất khẩu các sản phẩm sữa về khối lượng giảm 17%, từ 1 triệu tấn xuống 830.000 tấn sữa quy đổi. Tuy nhiên, về giá trị, mức giảm chỉ là 1%, từ 470 triệu xuống 465 triệu USD. Xuất khẩu kem giảm do một công ty nước ngoài lớn rút khỏi thị trường.
Phó Giáo sư Khoa Lý thuyết Kinh tế của Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, bà Ekaterina Novikova cho biết, từ năm 2022, xuất khẩu lúa mỳ của Nga được quy định bằng đồng ruble ở mức 15.000 ruble (158 USD)/tấn. Với khối lượng xuất khẩu lúa mỳ kỷ lục dự kiến trong năm nay là 48 triệu tấn, Nga có thể mong đợi thu về khoảng 720 tỷ ruble chỉ từ việc xuất khẩu lúa mỳ.
Cũng cần nhắc đến khối lượng xuất khẩu cá ngày càng tăng, đặc biệt là sang Trung Quốc, nên triển vọng của lĩnh vực này là khá khả quan. Khối lượng cá xuất khẩu của Nga cho đến nay vẫn ở mức của năm 2022, song nửa cuối năm nay có thể thấy sự gia tăng xuất khẩu đối với một số loại cá, trong bối cảnh Nga đang dần phát triển các thị trường mới cho các sản phẩm của mình.
Đối với dầu thực vật, theo bà Novikova, đang có sự cạnh tranh trên thị trường với dầu cọ, dầu dừa do giá thành sản xuất và chế biến rẻ hơn. Nga đang từng bước xây dựng thị trường mới cho các sản phẩm nông sản, tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và các nước thân thiện khác ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh.
Triển vọng của Nga là khá lớn, nhưng cần có thời gian để xây dựng các tuyến hậu cần mới. Nước này cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để vận chuyển hàng hóa từ Nga đến các thị trường mới trên thế giới cho các nhà xuất khẩu và điều này đòi hỏi đầu tư tài chính và thời gian. Tuy nhiên, bà Novikova nói, ngày nay kết quả rất đáng khích lệ ở nhiều khía cạnh và Nga cũng có thể mong đợi những điều tốt đẹp cho ngành này trong tương lai gần.
Theo TTXVN