Quốc tế
Nga hủy hiệp ước thuế với hàng loạt nước phương Tây
Ngày 8-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh đình chỉ những điều khoản cụ thể trong các hiệp ước thuế với Mỹ, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng các quốc gia mà Nga liệt vào danh sách “các nước không thân thiện”.
Ngày 8-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh đình chỉ những điều khoản cụ thể trong các hiệp ước thuế với nhiều nước phương Tây. Ảnh: AA |
Sắc lệnh đình chỉ những điều khoản thuộc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) và các hiệp định chống trốn thuế giữa Nga và nhiều nước phương Tây. RIA cho biết, quyết định được Nga đưa ra nhằm phản ứng trước những lệnh trừng phạt của Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã áp đặt lên họ suốt thời gian qua.
Về tổng thể, Nga đã đình chỉ các DTA với 38 quốc gia gồm: Albania, Úc, Áo, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, CH Czech, Cyprus, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Iceland, Ý, Nhật, Lithuania, Luxembourg, Malta, Montenegro, New Zealand, Na Uy, Bắc Macedonia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Singapore, Slovakia, Slovenia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Các DTA là những thỏa thuận giữa hai nước nhằm tránh việc cùng lúc đánh thuế ở cả hai nơi với cùng một khoản thu nhập của tổ chức/cá nhân.
Hầu hết những thay đổi nêu trong sắc lệnh vừa ký của ông Putin có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động tới nhiều cá nhân và thực thể, đình chỉ mọi quyền lợi liên quan DTA của các doanh nghiệp đến từ bất cứ quốc gia nào trong số 38 nước đang có hoạt động tại Nga. Sắc lệnh có hiệu lực ngay ở thời điểm công bố, do đó cũng sẽ làm tăng mức thuế phải đóng trong nhiều trường hợp.
Theo tài liệu công bố trên cổng thông tin pháp luật chính thức của Nga, việc đình chỉ DTA “căn cứ trên nhu cầu cần triển khai các biện pháp khẩn cấp trước những hành động không thân thiện” của các nước trong danh sách liên quan đối với Nga. Đề xuất đình chỉ này được Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Nga đề xuất từ tháng 3-2023 sau khi các nước phương Tây liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2-2022. Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, kể từ năm 2022, các nước phương Tây liên tục áp đặt đơn phương các biện pháp hạn chế kinh tế chống lại Nga và đây là cơ sở để Nga đưa ra những biện pháp đáp trả. Các cơ quan này cũng đề xuất phương án duy trì trạng thái đình chỉ này cho tới khi tất cả quyền lợi và lợi ích của Nga được những nước đó khôi phục.
Ngày 8-8, cổng thông tin pháp luật chính thức của Nga khẳng định, sắc lệnh về thuế sẽ có hiệu lực “cho tới khi các nước xóa bỏ những vi phạm của họ đối với lợi ích kinh tế hợp pháp và những lợi ích khác của Liên bang Nga, với các quyền của công dân cũng như thực thể pháp lý của Nga”, hoặc cho tới khi các văn bản tài liệu liên quan hết hiệu lực. Cùng với đó, Chính phủ Nga cũng nhận chỉ đạo từ ông Putin về việc triển khai giải pháp cần thiết để giảm tác động từ quyết định đình chỉ các DTA với kinh tế Nga. Nội các Nga sẽ chịu trách nhiệm trình dự thảo về việc đình chỉ hiệp ước thuế này lên Duma quốc gia (Hạ viện Nga) trong khi Bộ Ngoại giao sẽ thông báo tới các nước liên quan về quyết định này.
Trong khi đó, Nhật Bản lên tiếng phản đối sắc lệnh thuế của Nga. Ngày 9-8, ông Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, cho biết Tokyo đã gửi công hàm phản đối Nga sau quyết định đình chỉ các hiệp định thuế của họ. Reuters dẫn phát biểu của ông Hirokazu Matsuno tại cuộc họp báo ngày 8-8 ở Tokyo: “Thật đáng tiếc khi Nga đã quyết định đơn phương đình chỉ những điều khoản cụ thể trong hiệp ước thuế giữa Nhật Bản và Nga, đây là biện pháp không công bằng, có thể gây tổn thất cho các công dân và doanh nghiệp Nhật Bản”.
Theo Russia-briefing, chuyên trang thông tin về môi trường kinh doanh đầu tư, Nga hiện duy trì DTA với 39 quốc gia và khu vực, trong đó có Argentina, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Israel, Malaysia, Mexico, Mông Cổ, Philippines, Qatar, Saudi Arabia, Serbia, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, cùng các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG hay CIS) và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
Nga ban hành sắc lệnh về thanh toán xuất khẩu nông sản Ngày 8-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh quy định cơ chế thanh toán đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Nga. Theo đó, sắc lệnh cho phép sử dụng các tài khoản đặc biệt trong các giao dịch với đối tác nước ngoài trong các cuộc đấu giá có tổ chức. Sắc lệnh nêu rõ: “Người dân tham gia hoạt động ngoại thương ký kết với người mua ở nước ngoài tại các cuộc đấu giá có tổ chức được phép sử dụng tài khoản loại “Z” đặc biệt bằng đồng ruble và loại “Z” đặc biệt bằng ngoại tệ”. Danh sách nông sản được phép thanh toán bằng hình thức nói trên sẽ được Chính phủ Nga phê duyệt sau 30 ngày. Các quốc gia vùng Vịnh và các nước châu Phi hiện quan tâm việc thanh toán bằng đồng tiền của các nước này khi mua các sản phẩm nông nghiệp của Nga. |
TRẦN ĐẮC LUÂN