Quốc tế
Mỹ siết đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc
Từ năm 2024, chính quyền Mỹ sẽ cấm người dân nước này đầu tư trực tiếp vào một số công ty Trung Quốc chuyên phát triển các loại sản phẩm bán dẫn thế hệ mới và máy tính lượng tử. Quyết định này đánh dấu bước leo thang mới đáng chú ý trong cuộc chiến công nghệ cũng như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc vốn rất gay gắt thời gian qua.
Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành sắc lệnh cấm người dân nước này đầu tư trực tiếp vào công nghệ cao ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trong góc nhìn của một số tờ báo lớn của Mỹ, động thái trên cho thấy tính toán của Washington trong việc ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh có thể sản xuất các thiết bị công nghệ hiện đại nhất.
Mỹ lo “chảy máu” công nghệ cao
Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành sắc lệnh hành pháp liên quan việc cấm quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư kiểu liên doanh của Mỹ có các khoản đầu tư trực tiếp vào công nghệ hiện đại tại Trung Quốc. Không chỉ thế, sắc lệnh này cũng yêu cầu công dân Mỹ có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc phải báo cáo Chính phủ Mỹ về khoản đầu tư trực tiếp của họ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và các chất bán dẫn khác. Tuy nhiên, sắc lệnh không tác động các khoản đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Trung Quốc như trên thị trường giao dịch chứng khoán và trái phiếu.
Thực tế, lâu nay giới quan sát quốc tế cũng đề cập việc Washington ngày càng lo ngại nguy cơ Bắc Kinh có thể tiếp cận công nghệ và kiến thức của Mỹ. Nghị sĩ Michael McCaul của bang Texas, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, hoan nghênh sắc lệnh này, thậm chí còn nói lẽ ra chính quyền nên áp dụng nguyên tắc đó sớm hơn và với nhiều lĩnh vực công nghệ khác nữa của Trung Quốc.
Năm ngoái, Mỹ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tân tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, đồng thời tăng cường giám sát khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ. Thời gian qua, biện pháp quản lý của Washington với dòng vốn đầu tư liên quan Trung Quốc cũng bắt đầu định hình lại quyết định của giới kinh doanh Mỹ. Chẳng hạn, từ đầu năm nay, sau thời gian bị kiểm soát dai dẳng ở Washington, quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital quyết định tách riêng ra mảng kinh doanh của mình ở Trung Quốc. Nhiều công ty khác cũng tạm ngừng giao dịch ở Trung Quốc trong lúc “nghe ngóng” chính sách mới.
Thêm căng thẳng
Sẽ không bất ngờ nếu động thái này có thể làm xáo động những nỗ lực mong manh nhằm làm ấm lại quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung Quốc thời gian qua. Giới chức Bắc Kinh phản đối các chính sách của Mỹ gây hạn chế đối với Trung Quốc trong tiếp cận công nghệ tân tiến. Trong khi chính quyền ông Biden nói sắc lệnh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia thì trong mắt giới chức Bắc Kinh, đó là ý đồ của Mỹ muốn kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trước đó, giới chức Trung Quốc phàn nàn với chính quyền ông Biden về lệnh kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc năm ngoái. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách cấm các công ty lớn của họ mua công nghệ từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ là Micron Techonology hồi đầu năm nay.
Sau sắc lệnh nói trên, một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói Trung Quốc “rất thất vọng” trước việc Mỹ đưa ra hạn chế đầu tư trong lĩnh vực công nghệ như vậy. “Trung Quốc phản đối Mỹ lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia để chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại, khoa học và công nghệ, cũng như cố ý tạo trở ngại cho hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại và hợp tác công nghệ bình thường.
Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đã chững lại dần trong các năm qua khi căng thẳng giữa hai bên gia tăng. Năm ngoái, tổng đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc “rơi” xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, chỉ là 8,2 tỷ USD, theo dữ liệu của công ty Rhodium Group. Giá trị đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc cũng xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ là 1,3 tỷ USD. Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, trong giai đoạn 2015-2021, các nhà đầu tư Mỹ tham gia 401 giao dịch tại các công ty AI của Trung Quốc, trong đó tổng giá trị đầu tư của họ là 7,45 tỷ USD.
Giới doanh nghiệp tỏ ra im ắng Theo truyền thông Mỹ, cho tới lúc này, phản ứng của giới doanh nghiệp công nghệ vẫn khá im ắng. Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ hy vọng “các nguyên tắc cuối cùng này cho phép các hãng sản xuất chip của Mỹ có thể cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng và tiếp cận được các thị trường chính yếu trên toàn cầu, bao gồm Trung Quốc”. Trong khi đó, Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ đang theo dõi sát tình hình “để bảo đảm không có những hậu quả ngoài ý muốn liên quan hoạt động đầu tư vào các công ty của Mỹ”. Washington cũng đang hối thúc các đồng minh tại châu Âu và châu Á cùng áp dụng bước hành động tương tự để hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. |
TRẦN ĐẮC LUÂN