Quốc tế

Giải bài toán chống thất thu thuế từ tỷ phú

08:40, 24/10/2023 (GMT+7)

Chính phủ các nước cần nhanh chóng mở mặt trận mới trong việc kiểm soát chặt chẽ ở phạm vi toàn thế giới đối với tình trạng trốn thuế bằng cách áp mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với tài sản của các tỷ phú, qua đó có thể mang lại hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Những chiếc du thuyền sang trọng của giới siêu giàu neo đậu tại bến cảng ở Monte Carlo. Ảnh: The Guardian
Những chiếc du thuyền sang trọng của giới siêu giàu neo đậu tại bến cảng ở Monte Carlo. Ảnh: The Guardian

Lời kêu gọi nói trên của Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra trong bối cảnh bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở một số nước đang thúc đẩy phong trào yêu cầu những công dân giàu nhất phải chịu nhiều gánh nặng thuế hơn, đặc biệt khi nền tài chính công phải chật vật đối phó với dân số già, nhu cầu chi tiêu khổng lồ cho biến đổi khí hậu và nợ công tăng do tác động của Covid-19.

Tác dụng của thuế tối thiểu toàn cầu

Reuters dẫn báo cáo trốn thuế toàn cầu đầu tiên công bố ngày 23-10 của dự án EU Tax Observatory do EU tài trợ có trụ sở tại Trường Kinh tế Paris cho biết, thế giới sẽ có thêm 250 tỷ USD mỗi năm khi chỉ cần áp thuế tối thiểu toàn cầu 2% đối với tổng tài sản gần 13.000 tỷ USD của 2.700 tỷ phú.

Thuế thu nhập cá nhân thực tế hiện nay của các tỷ phú thấp hơn rất nhiều so với các nhóm khác bởi họ có thể gửi tài sản vào các công ty vỏ bọc (shell company) để khỏi phải đóng thuế thu nhập. “Các công ty cổ phần này đang ở trong vùng xám giữa việc tránh và trốn thuế”, EU Tax Observatory cho biết. Số tiền nộp thuế so với thu nhập của các tỷ phú Mỹ chỉ khoảng 0,5% và tỷ lệ này thậm chí bằng 0 tại một số nước như Pháp. Giám đốc EU Tax Observatory Gabriel Zucman lo ngại việc trốn thuế có nguy cơ cản trở tính bền vững của hệ thống thuế và làm giảm khả năng tiếp nhận thuế của xã hội. Báo cáo cho thấy những lỗ hổng mà giới siêu giàu đang tận dụng để tránh một số hình thức đóng thuế thu nhập nhất định, do đó mức thuế suất hiệu dụng chỉ bằng 0%-0,6% tổng tài sản của họ.

Theo giới chuyên gia, thuế suất tối thiểu là công cụ mạnh mẽ nhất để giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống thuế hiện tại vì chúng bảo đảm rằng dù sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thuế nào thì số tiền thuế thu được cũng không thể giảm xuống dưới mức quy định. Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho biết, biện pháp này sẽ giúp chính phủ có thêm nguồn thu để tài trợ các dịch vụ quan trọng như giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ, đồng thời làm dịu bớt tác động của các cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, gồm các dịch bệnh tiềm tàng liên quan khủng hoảng khí hậu.

Mỹ là một trong những nước ấp ủ kế hoạch tăng thuế đối với giới siêu giàu. Rõ ràng nhất là Ngân sách năm 2024 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có nêu đề xuất đánh thuế tối thiểu 25% đối với 0,01% những người giàu nhất trong lúc nợ công của chính phủ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, kế hoạch này bị các nghị sĩ phớt lờ bởi họ chỉ lo tìm cách ngăn chính phủ đóng cửa trước hạn chót 17-11. 

Vẫn còn thách thức phía trước

Việc chấm dứt tình trạng thiếu minh bạch trong hệ thống ngân hàng và áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu nhập doanh nghiệp đã chấm dứt quãng thời gian cạnh tranh bằng thuế suất kéo dài nhiều thập niên giữa các quốc gia nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp và các cá nhân giàu có giảm số thuế phải đóng. Chẳng hạn, người giàu đang “đổ” tiền vào bất động sản ngày càng nhiều thay vì gửi trong tài sản ở nước ngoài.

Ở hầu hết các nước, ngoại trừ một số ít ở châu Âu và một số nước Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hằng năm đối với các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật vì chúng chỉ bị đánh thuế khi tài sản được giao dịch. Bên cạnh đó, có những rủi ro tiềm tàng khác đối với nguồn thu từ thuế, bao gồm cả trợ cấp năng lượng xanh trong bối cảnh các nhà sản xuất trong lĩnh lực này được hưởng các chính sách miễn thuế lớn hơn nhiều và điều này vô hình chung dẫn đến vấn đề tương tự như cạnh tranh thuế tiêu chuẩn.

Theo The Guardian, dù nỗ lực phối hợp quốc tế để đánh thêm thuế đối với tỷ phú có thể mất nhiều năm nhưng EU chỉ ra sự thành công của các chính phủ trong việc chấm dứt sự thiếu minh bạch ở ngân hàng và làm giảm cơ hội để các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp. Đơn cử, việc ra mắt tính năng chia sẻ thông tin tài khoản tự động vào năm 2018 với sự tham gia của hơn 100 quốc gia đã làm giảm số tài sản cất giữ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế thấp (tax haven) khoảng 3 lần dù vẫn còn một số công ty “bình phong” lách công cụ kiểm soát này.

Thỏa thuận do 140 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết năm 2021 về áp mức thuế tổi thiểu doanh nghiệp toàn cầu15% bắt đầu từ năm 2024 sẽ hạn chế các công ty đa quốc gia tận dụng lỗ hổng để chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp. “Những điều mà nhiều người nghĩ là bất khả thi, thì giờ chúng ta biết rằng có thể làm được. Bước tiếp theo là phải áp dụng logic này vào các tỷ phú, chứ không riêng công ty đa quốc gia”, ông Zucman nói. Trong trường hơp, kế hoạch đánh thuế tối thiểu với các tỷ phú gặp khó thì liên minh các nước tiên phong sẽ có hành động đơn phương để xử lý vấn đề này.

THƯ LÊ

.