Quốc tế
Nỗ lực ngoại giao cứu Gaza vẫn bế tắc
Tuần qua, nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn xung đột tại Dải Gaza rơi vào trạng thái mất kiểm soát vẫn không đạt bất kỳ đột phá nào trong bối cảnh nỗi lo xung đột lan rộng ra khắp khu vực ngày càng hiện hữu.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đã tới đông Địa Trung Hải. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Israel vẫn đang tăng cường không kích để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc tiến công tổng lực vào Gaza có nguy cơ giáng đòn chí mạng vào sáng kiến “hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình”, đồng thời cũng là “phát pháo hiệu” khơi mào xung đột toàn Trung Đông.
Chạy đua ngoại giao
Không có gì ngạc nhiên khi giảm leo thang xung đột Israel-Hamas là khẩu hiệu hiện nay tại các diễn đàn trên thế giới. Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm leo thang diễn ra rất quyết liệt và đa dạng. Rõ ràng nhất là các chuyến thăm Israel bất ngờ của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ, Anh và Đức. Bên cạnh công khai thông điệp sát cánh cùng nhà nước Do Thái, những vị khách phương Tây này dù sao cũng góp lời kêu gọi giảm tình trạng bạo lực.
Theo The Guardians, ngày 20-10, tại thủ đô Cairo, các nhà lãnh đạo thế giới dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên do Ai Cập khởi xướng nhằm tạo lộ trình cứu trợ nhân đạo và làm sống lại hy vọng hòa bình giữa Israel và Palestine. Các nhà lãnh đạo Arab nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt căng thẳng ở Gaza và kêu gọi các bên hòa đàm. Tuy nhiên, việc vắng bóng những nước then chốt như Israel, Mỹ hay Iran khiến các bên không thể đạt thỏa thuận về cách ngăn bạo lực. Chính sự khác biệt về quan điểm giữa các phái đoàn Arab và châu Âu đã cản trở quá trình ra tuyên bố chung. Các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu lên án lực lượng Hamas và công nhận “quyền tự vệ” của Israel. Người phát ngôn Tổng thống Ai Cập, ông Ahmed Fahmy, cho biết đại diện các nước đều có chung quan điểm về nhu cầu cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza nhưng không thống nhất về “mức độ lên án” và lời kêu gọi ngừng bắn.
Ngày 21-10, 20 xe tải viện trợ đầu tiên từ Ai Cập được phép vào Gaza. Theo Liên Hợp Quốc, dù chỉ là “giọt nước trong đại dương” so với nhu cầu của hơn 2,3 triệu người trong cảnh cạn kiệt nguồn sống nhưng điều này đánh dấu sự khởi đầu về nỗ lực bền vững nhằm cung cấp các nguồn cung cấp thiết yếu một cách an toàn. Trong tia hy vọng hiếm hoi khác, ngày 21-10, hai công dân Mỹ trong số 203 con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công Israel ngày 7-10 được thả. Giới phân tích nhấn mạnh, việc thả các con tin còn lại ở Gaza sẽ gần như không thể thực hiện được bằng các biện pháp quân sự thuần túy. Theo giới chức y tế ở Gaza, kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 4.300 người Palestine thiệt mạng do các cuộc không kích và một nửa dân số (2,3 triệu người) trên lãnh thổ này phải di dời.
Tác động đa chiều của cuộc xung đột đang lan rộng. Giá dầu lại đang đứng trước bờ vực khủng hoảng. Thị trường chứng khoán sụp đổ. Nỗi lo khủng bố quay trở lại các nước châu Âu khi các nhóm như IS và al-Qaeda tìm cách lợi dụng tình trạng hỗn loạn và phân cực. Viễn cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chồng khủng hoảng có lẽ ở mức lớn nhất trong nhiều thập niên.
Mỹ tăng hiện diện quân sự
Ngày 21-10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, nước này sẽ bổ sung lực lượng nhằm tăng cường phòng thủ cho lực lượng của Mỹ tại Trung Đông, hỗ trợ Israel và sẵn sàng đáp trả “sự leo thang” của Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm của nước này. Đây là các bước đi tiếp theo trong chuỗi phản ứng của Washington với xung đột Israel - Hamas.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông. THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tiên tiến, có thể bắn hạ các tên lửa tầm xa, tầm trung và hỗ trợ các hệ thống sẵn có ở Israel. Trong khi đó, Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không, nhắm mục tiêu vào máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang điều động thêm binh sĩ sẵn sàng triển khai tới khu vực và nhiều binh sĩ được lệnh ở trạng thái sẵn sàng tác chiến.
Động thái trên của Washington diễn ra trong bối cảnh các căn cứ quân sự của Iraq được sử dụng bởi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khác nhau. Mỹ hiện có khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú tại các căn cứ này, cùng với khoảng 1.000 binh sĩ từ các quốc gia khác trong liên minh được thành lập để chống lại nhóm thánh chiến IS tự xưng. Trong những tuần gần đây, Washington đã triển khai lực lượng hải quân đáng kể tới Trung Đông, gồm 2 tàu sân bay, các tàu hỗ trợ đến phía đông Địa Trung Hải, gần Israel, cùng khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ, nhằm ngăn chặn Iran hoặc Hezbollah tham gia xung đột.
Theo Bloomberg, giới chức Mỹ và Israel đang cân nhắc việc thành lập một chính quyền lâm thời ở dải Gaza với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và các chính phủ Arab. Kịch bản nói trên vẫn ở giai đoạn đầu và phụ thuộc vào những diễn biến trong tương lai, bao gồm cả việc chiến dịch trên bộ của Israel ứng phó Hamas có thành công hay không. Bloomberg lưu ý rằng việc thành lập chính phủ lâm thời sẽ cực kỳ khó khăn hơn nữa khi chưa chắc các nước Arab trong khu vực sẽ tán thành. |
THƯ LÊ