Quốc tế
Xung đột Israel - Hamas làm nghiêng cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho Nga, Trung Quốc?
Xung đột ở Trung Đông đang ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu, làm hao tổn nguồn lực của Mỹ và EU trong khi giảm bớt áp lực lên Nga và mang lại những cơ hội mới cho Trung Quốc.
Mỹ đang tăng cường triển khai lực lượng ở Trung Đông trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas có nguy cơ leo thang. Ảnh: AFP |
Theo bình luận của tờ Wall Street Journal mới đây, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas không chỉ có nguy cơ lan rộng trong khu vực mà đang ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu, làm hao tổn nguồn lực của Mỹ và châu Âu trong khi giảm bớt áp lực lên Nga và mang lại những cơ hội mới cho Trung Quốc.
Khó có thể dự đoán được tác động lâu dài do sự bùng phát ở Trung Đông. Trước hết, điều đó phụ thuộc vào việc liệu Israel cuối cùng có thành công trong mục tiêu đã nêu là đánh bại Hamas khỏi vai trò là lực lượng chính trị và quân sự chính ở Dải Gaza hay không.
Một vấn đề quan trọng khác là liệu các mối quan hệ ngoại giao của Israel trong khu vực và vị thế toàn cầu của những nước ủng hộ ở phương Tây có thể tồn tại trước thương vong dân sự ngày càng gia tăng ở Gaza và nỗi kinh hoàng đang rình rập từ chiến tranh đô thị ở vùng đất đông dân cư hay không.
Tuy nhiên, hiện tại, cuộc xung đột Israel - Hamas dường như đang tạo ra một số lợi thế cho các đối thủ địa chính trị chính của Mỹ. Trung Quốc, Nga và Iran từ lâu đã tìm cách làm giảm vai trò thống trị của Mỹ và hiện đang tận dụng sự phân tâm của Washington.
Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb, người hiện đang tranh cử tổng thống Phần Lan, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là một phần của trật tự thế giới đang thay đổi và đang chuyển động. Khi Mỹ để lại khoảng trống quyền lực, sẽ có bên lấp đầy những khoảng trống đó”.
Chắc chắn rằng, Mỹ đã quay trở lại Trung Đông, thể hiện vai trò là đối tác không thể thiếu đối với Israel và các quốc gia Arab chủ chốt bằng chính sách ngoại giao con thoi và triển khai lực lượng quân sự trong khu vực - một cam kết nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và làm giảm sự nghi ngờ về một số quan điểm theo chủ nghĩa biệt lập vốn được thiết lập trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, khi sự chú ý của Washington tập trung vào Trung Đông, Nga đã chỉ ra “tiêu chuẩn kép” của phương Tây, vốn chỉ trích gay gắt thương vong trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng chỉ đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với các hành động của Israel ở Gaza, khi số người Palestine thiệt mạng ngày càng tăng – khoảng 3.700 người theo số liệu tính đến ngày 20/10.
Đồng quan điểm trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun ngày 19/10 cũng cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây "đạo đức giả" khi bôi nhọ Trung Quốc về các vấn đề ở Tân Cương, nhưng lờ đi nỗi đau của người Palestine. “Mấu chốt của vấn đề là công lý đã không được thực thi đối với người dân Palestine”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong bài phát biểu công khai sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra.
Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris nói: “Xung đột giữa Israel và Hamas là cơ hội để Trung Quốc miêu tả Mỹ như một nhân tố gây bất ổn. Ngoài ra, mục tiêu của Trung Quốc là thể hiện mình như một giải pháp thay thế trước các quốc gia đang phát triển – và là một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn”.
Đối với các nước châu Âu, ngoài việc làm căng thẳng các mối quan hệ trong khu vực và chuyển sự chú ý khỏi Ukraine, việc leo thang xung đột Israel - Hamas cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, có khả năng làm tê liệt các lựa chọn thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga ở Trung Đông.
Thương vong ở Trung Đông cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bạo lực mới bởi các nhóm chiến binh Hồi giáo, như đã từng xảy ra trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo giai đoạn 2014 - 2017. Các cuộc biểu tình lớn ủng hộ Palestine đã tràn ngập đường phố ở các thủ đô lớn của châu Âu vào cuối tuần qua, với một số người biểu tình hô vang ủng hộ mục tiêu của Hamas là chống Israel.
Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho biết: “Bất cứ khi nào điều gì đó căng thẳng như vậy xảy ra ở Dải Gaza hoặc Israel, nó sẽ gây ra hậu quả ở châu Âu. Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự chồng chéo và liên quan giữa các mặt trận khác nhau. Đâu sẽ là sân khấu chính của châu Âu trong những năm tới? Sẽ là Trung Đông? Ukraine? Kavkaz? Vấn đề Iran? Sự gia tăng các cuộc khủng hoảng thật bất ngờ và đối với châu Âu, điều đó có nghĩa là phải thực hiện những điều chỉnh rất táo bạo”.
Rõ ràng, nếu cuộc chiến ở Trung Đông mở rộng và có sự tham gia trực tiếp của các lực lượng ở Liban và sau đó có thể là trực tiếp từ Iran và Mỹ, nguồn viện trợ quân sự dành cho Ukraine vốn đã bị thu hẹp lại có thể còn trở nên eo hẹp hơn - một mối nguy hiểm đã được Kiev thừa nhận.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Trung tướng Kyrylo Budanov, nói với tờ Ukrainska Pravda: “Nếu cuộc xung đột Israel – Hamas có giới hạn về thời gian, chỉ vài tuần, thì về nguyên tắc, chúng tôi không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu tình hình kéo dài, hoàn toàn có thể hiểu được rằng sẽ có một số vấn đề nhất định với thực tế là không chỉ Ukraine mới cần được cung cấp vũ khí và đạn dược”.
Franz-Stefan Gady, Giám đốc điều hành của Gady Consulting, một công ty tư vấn quân sự có trụ sở tại Vienna (Áo), cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Israel là một quân đội kiểu phương Tây, với hỏa lực trên không, có thể được hỗ trợ dễ dàng hơn. Trong khi đó, quân đội Ukraine vẫn là lực lượng kế thừa từ thời Liên Xô với phần lớn hỏa lực được triển khai trên mặt đất, điều này khiến Mỹ khó duy trì hơn rất nhiều”.
Theo Baotintuc.vn