Quốc tế
Nhân tố Hezbollah
Trong xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza hiện nay, phong trào Hezbollah ở Lebanon là nhân tố vô cùng quan trọng mà Tel-Aviv cùng với các đồng minh như Mỹ, Anh, Pháp phải tính toán thận trọng, thậm chí lên tiếng cảnh báo.
Sức mạnh quân sự của Hezbollah nhanh chóng tăng lên sau đợt triển khai quân tới Syria năm 2012 để giúp Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phiến quân, chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni. Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho biết, lực lượng này có 100.000 tay súng có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và được trang bị các loại vũ khí tối tân, hiện đại.
Tuy Hezbollah và Hamas theo hai dòng Hồi giáo khác nhau nhưng có chung đối thủ là Israel và ngày càng thân thiết hơn khi các nhà lãnh đạo Hezbollah chuyển đến Lebanon những năm gần đây. Theo giới chuyên gia, Hezbollah là lực lượng chiến đấu có khả năng lớn hơn nhiều so với Hamas và được công nhận là lực lượng quân sự phi nhà nước mạnh nhất thế giới. Khi sự kiện ngày 7-10 bùng phát, Hezbollah bắn loạt tên lửa vào khu vực tranh chấp ở biên giới với Israel để bày tỏ “tình đoàn kết” với Palestine.
Hezbollah chưa tuyên bố tham chiến nhưng sự liên can của họ làm dấy lên mối lo về cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực. Đặc biệt, Phó thủ lĩnh Naim Qassem tuyên bố, nếu Israel mở cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza, gây thảm họa nhân đạo cho người Palestine, thì “chúng tôi sẽ hành động”. Nếu điều đó diễn ra có nghĩa Israel đồng thời phải chiến đấu cùng lúc hai mặt trận: với Hamas ở biên giới phía nam và Hezbollah ở phía bắc.
Năm 2006, Hezbollah và Israel từng có cuộc chiến rất tàn khốc kéo dài nhiều tháng để rồi cuối cùng kết thúc trong bế tắc và căng thẳng giữa hai bên kéo dài đến nay. Đây là vấn đề mà Tel Aviv không hề mong muốn. Ngày 15-10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, nước này không muốn xung đột với Hezbollah. Nếu Hezbollah có thái độ kiềm chế, Tel Aviv sẽ giữ tình hình ở nguyên trạng như hiện nay; đồng thời cảnh báo, nếu chọn giải pháp chiến tranh, lực lượng vũ trang này sẽ phải trả giá đắt.
Tương tự, Mỹ và các đồng minh cũng không muốn xung đột Israel-Hamas lan rộng ra cả Trung Đông vì nó sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Hiện, ảnh hưởng của Mỹ đang sụt giảm ở Trung Đông trong khi kế hoạch thực hiện Hiệp ước Abraham do Mỹ dẫn dắt có nguy cơ sụp đổ, thậm chí một số nước khác cùng tham chiến sẽ làm cho giá dầu tăng cao. Theo Axios, Iran cảnh báo họ sẽ phải đáp trả nếu Israel thực hiện cuộc tấn công dự kiến trên bộ và Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo các quan chức, trong đó có Ngoại trưởng Anthony Blinken, tiếp cận các đối tác ở vùng Vịnh và các nước láng giềng khác để chặn đứng vòng xoáy dẫn đến cuộc chiến rộng hơn, đặc biệt tập trung ngăn Hezbollah mở mặt trận thứ hai ở biên giới phía bắc Israel. Ông Biden cảnh báo, những “người chơi khác” ở Trung Đông, mà hàm ý chủ yếu là Iran, không được can dự xung đột Israel - Hamas. Có đồn đoán ông Biden sẽ đến Israel để trấn an đồng minh số một ở Trung Đông và tìm cách hóa giải nguy cơ xung đột lan rộng.
Có thể nói, việc Hamas tấn công lãnh thổ Israel là điều không được dư luận đồng tình. Ngày 15-10, Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas khẳng định, những hành động và chính sách của Hamas vừa qua không đại diện cho người Palestine. Trong khi đó, một khi Israel đáp trả vượt quá giới hạn, tấn công vào Gaza, phong tỏa các loại nhu yếu phẩm và buộc cả triệu dân phải di tản sẽ gây thảm họa nhân đạo. Đây cũng là hành động vi phạm Luật pháp và Công ước quốc tế. Thực tế này sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp, vô hình trung tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan lợi dụng, trong đó Hezbollah là ví dụ cụ thể bởi sự tham chiến của lực lượng này sẽ nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ra cả khu vực Trung Đông.
TUYẾT MINH