Quốc tế
G20 trước nhiều thách thức toàn cầu
Ngày 22-11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đặc biệt, sự kiện này có sự tham gia lần đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh bất thường lần này thảo luận các vấn đề nóng mới xuất hiện tác động trực tiếp các châu lục; xem xét tiến độ đề xuất chính sách và mục tiêu được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên vào tháng 9-2023; đồng thời xác định cách thức đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Modi nêu bật những thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ trong năm qua. Ông đề cập nhiều chủ đề, nhấn mạnh tính toàn diện, hợp tác và giải quyết các thách thức mới nổi. Nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh cam kết của G20 về tính toàn diện khi đồng loạt nhất trí vai trò thành viên chính thức của Liên minh châu Phi (AU), qua đó thể hiện thông điệp đoàn kết và hợp tác. Điều này cũng cho thấy mong muốn của Ấn Độ khuếch đại tiếng nói của Nam bán cầu.
Trước những thách thức toàn cầu hiện nay, Thủ tướng Modi hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Gaza cho phép thả hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ; kêu gọi lãnh đạo các nước giàu có và đang phát triển hàng đầu hợp tác để ngăn xung đột Israel-Hamas không lan rộng; lên án chủ nghĩa khủng bố và nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ nhân đạo cũng như nỗ lực vì hòa bình.
Thủ tướng Modi ủng hộ sử dụng công nghệ có trách nhiệm và đề xuất thành lập quy định toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI). “Hiểu được mức độ nghiêm trọng của DeepFake, mức độ nguy hiểm của nó đối với xã hội và mỗi cá nhân, chúng ta phải tiến lên phía trước. Chúng tôi muốn AI đến được với mọi người và nó phải an toàn cho xã hội”, ông Modi nói. Ấn Độ sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh đối tác AI toàn cầu vào tháng 12-2023. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi đề xuất lập Quỹ tác động xã hội để triển khai cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số tại các quốc gia thuộc nam bán cầu. Ấn Độ ủng hộ số tiền ban đầu 25 triệu USD, đồng thời kêu gọi các quốc gia tích cực ủng hộ quỹ này.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tình hình kinh tế toàn cầu cũng như thế giới nói chung hiện nay cần có những giải pháp mang tính tập thể và đồng thuận, phản ánh quan điểm của đại đa số cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia phát triển và đang phát triển, và cần phải tính đến những thay đổi trong trật tự thế giới. Theo ông, định dạng G20 là cấu trúc quan trọng trong quản trị kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh đang xảy ra các cuộc đối đầu trên quy mô toàn cầu.
Liên quan đến nguồn cung năng lượng và lương thực, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh nước này hoàn thành mọi trách nhiệm trong hai lĩnh vực đó khi đề cập đến sự bất ổn đang gia tăng trên thị trường. Theo ông Putin, Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, chuyển đổi số của nền kinh tế thế giới, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.
Đáng chú ý, ông Putin trả lời câu hỏi của các diễn giả khác tại hội nghị về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tổng thống Putin cho biết: “Đương nhiên, chúng ta phải nghĩ cách chấm dứt thảm kịch này”; đồng thời khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine. Ngoài ra, ông Putin chỉ trích các vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc là hành động khủng bố quốc tế.
Trước những vấn đề cấp bách và lâu dài mang tính toàn cầu, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí tiếp tục tiến lên với cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” trong năm Chủ tịch G20 của Brazil kể từ ngày 1-12-2023 và các nước thành viên sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, y tế và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, G20 sẽ tiếp tục hoạt động vì sự mong đợi của khu vực Nam Bán cầu.
TUYẾT MINH