Quốc tế

Thỏa thuận quân sự liên Triều đổ vỡ

08:12, 24/11/2023 (GMT+7)

Triều Tiên đã tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều (CMA) nhằm đáp trả cứng rắn việc Hàn Quốc đình chỉ một phần CMA, qua đó cho thấy lòng tin về mặt quân sự giữa hai nước đang đứng nguy cơ xói mòn.

Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh trinh sát vào ngày 21-11. Ảnh: KCNA
Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh trinh sát vào ngày 21-11. Ảnh: KCNA

Bán đảo Triều Tiên đang “dậy sóng” khi các bên liên quan liên tục có hành động đáp trả cứng rắn theo phương châm “có qua có lại”. Trong diễn biến mới nhất, theo Reuters, ngày 23-11, Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ “không bị kiềm chế” bởi CMA mà họ chỉ trích “từ lâu chỉ còn là mẩu giấy”.

Đáp trả qua lại

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Triều Tiên ngày 23-11 nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ các biện pháp quân sự vốn được thực thi nhằm ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi phạm vi, gồm trên bộ, trên không và trên biển; đồng thời sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn, cùng khí tài quân sự tiên tiến trong khu vực dọc theo Đường phân chia ranh giới quân sự (MDL)”. Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 22-11 cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo không xác định ra vùng biển phía đông, song vụ phóng dường như thất bại.

Các động thái liên tiếp của Triều Tiên không nằm ngoài mục đích đáp trả việc Hàn Quốc đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần CMA nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên lần đầu phóng thành công vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1. Theo đó, Hàn Quốc sẽ nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều. Theo Yonhap, ngày 22-11, Hàn Quốc nối lại việc sử dụng máy bay trinh sát có người lái và không người lái ở khu vực biên giới. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn nhận quyết định của Hàn Quốc là “phản ứng thận trọng và kiềm chế” với lý do Triều Tiên “không tuân thủ thỏa thuận”. Trong khi đó, Triều Tiên cho rằng đây là quyết định “liều lĩnh” của Hàn Quốc; cáo buộc nước láng giềng đe dọa thỏa thuận quân sự khi đẩy mạnh hành động khiêu khích; đồng thời cảnh báo Seoul sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra cuộc đụng độ không thể khắc phục” giữa hai miền Triều Tiên.

Nguy cơ biên giới căng thẳng

Việc Triều Tiên phóng Malligyong-1 khiến Hàn Quốc và các nước đồng minh phải dè chừng bởi giới chuyên gia đánh giá việc đưa thành công vệ tinh  này vào quỹ đạo sẽ cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo của Triều Tiên, đặc biệt là về Hàn Quốc và cung cấp dữ liệu quan trọng trong bất kỳ xung đột quân sự nào. Theo KCNA, Malligyong-1 sẽ bắt đầu sứ mệnh từ ngày 1-12 sau quá trình tinh chỉnh kéo dài 7 - 10 ngày. Đây là bước liên quan quyền tự vệ, cũng như thực thi chủ quyền hợp pháp và công bằng để giám sát chặt chẽ và đối phó triệt để các động thái quân sự khác nhau xung quanh bán đảo. Ngay lập tức, Mỹ tuyên bố vụ phóng “vi phạm rõ ràng” các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ đạn đạo trong tên lửa và tên lửa phóng vệ tinh. Còn theo giới quan sát, vụ phóng có thể thúc đẩy cuộc đua không gian trên bán đảo bởi Hàn Quốc cũng lên kế hoạch phóng vệ tinh tương tự lần đầu tiên bằng tên lửa SpaceX (Mỹ) vào cuối tháng 11-2023.

Reuters dẫn lời Giáo sư Moon Chung-in tại Đại học Yonsei, cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng thống Moon Jae-in trong hội đàm với ông Kim Jong-un, nói rằng, dù Triều Tiên không tuân thủ tất cả yếu tố của thỏa thuận nhưng sự sụp đổ của văn kiện này có thể làm tăng nguy cơ đối đầu ở khu vực biên giới liên Triều.

Ông nói: “Các cuộc đụng độ ngẫu nhiên có thể leo thang thành xung đột toàn diện, thậm chí có nguy cơ tấn công hạt nhân. Do đó, cần phải sớm giảm thiểu rủi ro và căng thẳng”. Đồng quan điểm, ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết: “CMA là thỏa thuận tốt về mặt lý thuyết với các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho hai bên bằng cách giảm nguy cơ xung đột chiến thuật và vô tình leo thang”. Mỹ lâu nay âm thầm thúc giục nước đồng minh Hàn quốc duy trì CMA. Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc tỏ ra không mấy mặn mà với thỏa thuận này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Kim Myung-Soo cho rằng, CMA vô hình trung tạo vùng xám khuyến khích Triều Tiên vượt qua ranh giới, đồng thời cản trở nỗ lực của Hàn Quốc trong việc phát hiện và ngăn chặn hoạt động của đối phương. Thỏa thuận chỉ cho thấy hàng loạt nhượng bộ đơn phương của Hàn Quốc.

CMA được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19-9-2018 tại hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in. Đây là một trong những biện pháp cụ thể nhất được đưa ra sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ. Thỏa thuận kêu gọi hai bên dừng mọi hoạt động quân sự thù địch, thiết lập các vùng đệm trên biển và vùng cấm bay gần biên giới liên Triều, biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình và nhiều biện pháp khác, trong đó hạn chế tập trận bắn đạn thật, dỡ bỏ một số trạm gác và thiết lập đường dây nóng quân sự. Tuy nhiên, việc thực thi CMA rơi vào căng thẳng khi Triều Tiên không ngừng đạt tiến bộ trong chương trình vũ khí hạt nhân trong khi Hàn Quốc tăng cường tập trận quân sự chung với Mỹ và Nhật Bản.

THƯ LÊ

.