Quốc tế

Trung Quốc: nhà thu hồi nợ lớn nhất thế giới

08:06, 08/11/2023 (GMT+7)

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), Trung Quốc đang đảm nhận vai trò “không mấy thoải mái” khi trở thành quốc gia thu hồi nợ lớn nhất thế giới. 55% các khoản vay của nước này dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình đã bước vào giai đoạn trả nợ gốc và con số này sẽ tăng lên 75% vào năm 2030.

Theo Guardian, hơn 150 quốc gia đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vốn được công bố cách đây một thập niên. Trong 10 năm đầu tiên của BRI, Trung Quốc phân bổ khoản vay khổng lồ cho xây cầu, cảng và đường cao tốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tổng số nợ tồn đọng (không bao gồm lãi) các nước đang phát triển vay của Trung Quốc ít nhất là 1.100 tỷ USD và thậm chí có thể chạm mốc 1.500 tỷ USD. Gần 21.000 dự án ở 165 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhận tài trợ và khoản vay trị giá 1.340 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2021.

Để giảm thiểu rủi ro vỡ nợ trong tương lai, Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp, gồm giảm các khoản vay cho dự án cơ sở hạ tầng, tăng cường cho vay khẩn cấp và tăng hình phạt đối với trả nợ trễ. Giữa những năm đầu của BRI (2014-2017) và giai đoạn sau (2018-2021), Trung Quốc tăng lãi suất phạt tối đa đối với việc trả nợ trễ từ 3% lên thành 8,7%. Dù đang là “chủ nợ” lớn nhất thế giới, Bắc Kinh vẫn thực hiện cam kết tài chính phát triển quốc tế. Các cam kết viện trợ và tín dụng của Trung Quốc cho các nước có thu nhập thấp và trung bình hiện ở mức khoảng 80 tỷ USD mỗi năm, lớn nhất thế giới. Trong khi đó, con số này của Mỹ là 60 tỷ USD.

GIA NGHI

.