Quốc tế

Động đất nghiêm trọng tại Trung Quốc

08:31, 20/12/2023 (GMT+7)

Lực lượng cứu hộ vừa chạy đua với thời gian trong khi phải chống chọi thời tiết băng giá để tìm người sống sót sau trận động đất mạnh 6,2 độ richter ở tây bắc Trung Quốc khi 72 “giờ vàng”cứu hộ dần trôi. Đây là trận động đất nguy hiểm nhất tại nước này trong gần thập niên qua.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại một tòa nhà bị sập ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc vào ngày 19-12. Ảnh: Tân Hoa Xã
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại một tòa nhà bị sập ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc vào ngày 19-12. Ảnh: Tân Hoa Xã

Vùng động đất xảy ra ở độ sâu 10km thuộc khu vực biên giới Cam Túc - Thanh Hải, vùng núi ở rìa phía đông cao nguyên Tây Tạng vào đêm 18-12. Tính đến 17 giờ ngày 19-12, ít nhất 118 người chết ở tỉnh Cam Túc và tỉnh Thanh Hải lân cận; hàng trăm người bị thương; một số cơ sở hạ tầng như hệ thống cung cấp nước, điện, giao thông và thông tin liên lạc hư hại nghiêm trọng.

Triển khai mạnh mẽ công tác cứu hộ

Sáng 19-12, chính quyền các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải (Trung Quốc) đẩy mạnh công tác cứu hộ, gấp rút phân bổ hàng cứu trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng do động đất. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu nỗ lực hết sức để tìm kiếm và cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ông chỉ thị chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác cứu hộ, cứu nạn và điều trị kịp thời cho những người bị thương nhằm giảm thiểu thương vong; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình động đất và diễn biến thời tiết để đề phòng thiên tai thứ cấp. Ông cũng yêu cầu phân phối hàng cứu trợ cho các khu vực vùng thiên tai sớm nhất có thể, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và sắp xếp chỗ ở tạm thời cho những người bị ảnh hưởng.

Theo CCTV, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng huy động một loạt lực lượng ứng phó khẩn cấp sau khi trận động đất phá hủy hàng loạt đường sá và cơ sở hạ tầng, gây ra lở đất và chôn vùi một nửa ngôi làng. Bộ Tài chính Trung Quốc và Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp đã phân bổ 28 triệu USD để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời giảm thiểu tác động từ thảm họa.

Thách thức không nhỏ

Theo Tân Hoa Xã, do khu vực xảy ra thảm họa nằm ở vùng cao, kèm theo thời tiết giá lạnh nên công tác cứu hộ gặp nhiều thách thức trong nỗ lực ngăn chặn các thảm họa thứ cấp do các yếu tố ngoài trận động đất gây ra. China Newsweek dẫn lời các chuyên gia tham gia cuộc giải cứu, cho biết, nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng đặt ra thách thức lớn nhất cho nỗ lực cứu hộ. Thực tế, 72 giờ đầu tiên thường được coi là “giai đoạn vàng” để tìm người còn sống nhưng khoảng thời gian quý giá này đang bị rút ngắn trong bối cảnh cái lạnh “cắt da, cắt thịt”. Nhiệt độ của một số nơi ở Cam Túc, gần nơi xảy ra trận động đất, được ghi nhận ở khoảng -14 độ C vào sáng 19-12. Trong những ngày gần đây, các vùng rộng lớn của Trung Quốc đã bất ngờ bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm, với nhiệt độ giảm xuống gần mức thấp lịch sử ở một số khu vực phía Bắc.

Đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn lời ông Xu Xiwei, Giáo sư tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho rằng các địa phương của Cam Túc nằm trong vành đai dễ xảy ra động đất chạy từ Mông Cổ ở phía bắc đến Myanmar ở phía nam. Nhiều ngôi nhà trong khu vực có thể không được xây dựng đủ chắc chắn để chống chọi với động đất và thực tế là trận động đất xảy ra vào đêm khuya có thể khiến người dân khó thoát thân hơn, khiến số thương vong có thể còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Phân tích sơ bộ cho thấy trận động đất mới nhất là chấn động gây ra do một vụ nổ dạng lực đẩy. Đây là một trong ba trận động đất có cường độ trên 6 độ richter xảy ra trong phạm vi 200km tính từ tâm chấn kể từ năm 1900. Tổng cộng có 9 cơn dư chấn có cường độ từ 3 độ richter trở lên đã được ghi nhận trước rạng sáng 19-12.

Trung Quốc không lạ gì với những trận động đất mạnh, đặc biệt là ở khu vực phía tây nam đất nước nơi mảng kiến tạo Á-Âu gặp mảng chứa Ấn Độ, tạo “vụ va chạm kịch tính” tạo nên dãy Himalaya hùng vĩ và cao nguyên Tây Tạng rộng lớn. Động đất thường xuyên xảy ra ở các tỉnh phía tây như Cam Túc, nằm ở ranh giới phía đông của khu vực Thanh Hải-Tây Tạng có hoạt động kiến tạo mạnh mẽ. Theo các báo cáo được công bố rộng rãi, trận động đất vào đêm 18-12 là trận động đất nguy hiểm nhất xảy ra ở Trung Quốc trong gần một thập niên qua, kể từ khi trận động đất ở tỉnh Vân Nam phía tây nam khiến khoảng 600 người thiệt mạng vào năm 2014. Thảm họa động đất nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong những thập niên gần đây là vào năm 2008 khi trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra ở Tứ Xuyên, khiến gần 90.000 người thiệt mạng, theo tờ Guardian.

THƯ LÊ

.