Quốc tế

Nga "để mắt" tới Phần Lan

08:42, 19/12/2023 (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ thành lập quân khu mới để củng cố các vị trí gần Phần Lan nhằm đáp trả việc nước láng giềng này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xe cảnh sát Phần Lan tại cửa khẩu Vaalimaa giáp Nga vào ngày 14-12. Ảnh: Reuters
Xe cảnh sát Phần Lan tại cửa khẩu Vaalimaa giáp Nga vào ngày 14-12. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên là phản ứng rõ ràng nhất trước hàng loạt động thái của Phần Lan gần đây vốn khiến Nga nâng cao cảnh giác, trong đó phải kể đến việc nước Bắc Âu này tiếp tục đơn phương đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga và sắp sửa cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự chiến lược của mình.

Nga củng cố sức mạnh quân đội

Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố thành lập quân khu mới mang tên Leningrad gần biên giới Phần Lan trong cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-1 vào ngày 17-12. Đúng như tên gọi, quân khu mới này sẽ đóng tại vùng Leningrad ở tây bắc Nga, nơi tọa lạc thành phố St. Petersburg. Theo TASS, thực ra việc thành lập Quân khu Leningrad vốn là ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhằm bảo đảm Lực lượng vũ trang Nga sẽ phát triển “một cách bình tĩnh, nhịp nhàng và bền bỉ” theo đúng chỉ đạo của ông Putin. Bên cạnh căn cứ ở Leningrad, ông Shoigu còn đề xuất tái lập Quân khu Moscow, nhằm tạo “hai liên minh lãnh thổ chiến lược” nằm giữa các vùng quản lý cũ của các lực lượng vũ trang. Nói một cách đơn giản hơn, đó là quá trình tái cấu trúc các lực lượng vũ trang ở cấp chiến lược và tác chiến cao nhất. Về cơ bản, quân khu là đơn vị quân đội lớn nhất và trên cơ sở do Bộ Quốc phòng Nga quản lý nên khi xảy ra xung đột vũ trang thì trở thành các mặt trận phòng thủ. Theo giới quan sát, nếu 2 quân khu này và các đơn vị chỉ huy quân sự tác chiến  mới được thành lập trong thời gian tới, thì đây sẽ là cuộc cải cách thứ tư đối với các quân khu của Nga kể từ năm 1991 và là cuộc cải cách thứ hai dưới nhiệm kỳ của Tướng Shoigu; đồng thời đánh dấu sự thay đổi trong tư duy phòng thủ chiến lược của Nga.

Và trong động thái “nắn gân” nước láng giềng này, ông Putin thẳng thắn cảnh báo các vấn đề có thể xảy ratrong mối quan hệ với Phần Lan sau khi nước này gia nhập NATO do Mỹ dẫn đầu vào tháng 4-2023 làm tăng gấp đôi chiều dài biên giới của liên minh an ninh này với Nga (tăng thêm 1.340 km), đánh dấu sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở Bắc Âu. Nga chỉ trích quyết định này của Phần Lan là bước đi “sai lầm” vì thực tế trước đó hai nước láng giềng đã có quan hệ gần gũi và hầu như không có bất kỳ xích mích nào trong nhiều thập niên qua. Ông lưu ý, “rắc rối nhỏ” duy nhất giữa hai bên cũng chỉ xoay quanh mâu thuẫn kinh doanh trong ngành chế biến gỗ. “Chúng tôi (Nga và Phần Lan) đã duy trì mối quan hệ thân thiết nhất. Không có vấn đề gì trước đây. Song, bây giờ sẽ có, bởi vì chúng tôi sẽ thành lập Quân khu Leningrad và tập trung một số đơn vị quân đội ở đó.”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định: “Nga hoàn toàn không có lý do, không có lợi ích, không có lợi ích địa chính trị, kinh tế, chính trị hay quân sự để chống lại NATO”, đồng thời cho biết, nước này không có bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với các nước NATO.

Bước đi mạo hiểm của Phần Lan

Những tuyên bố của ông Putin nhằm phát thông điệp mạnh mẽ đến Phần Lan sau khi nước này một lần nữa đơn phương đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga mà không có những tham vấn với lực lượng biên phòng Nga cũng như liên lạc với Nga qua bất cứ kênh thông tin nào khi tin rằng Nga có chủ ý khi đưa người tị nạn tới biên giới của họ. Chính phủ Phần Lan sẽ chi khoảng 143 triệu USD để xây dựng hàng rào dọc biên giới phía đông của Phần Lan với Nga, nơi từng có rất ít biện pháp bảo vệ an ninh trước đây.

Đáng chú ý, ngày 18-12 (giờ địa phương), Phần Lan ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ, trong đó cho phép Mỹ đóng quân và đặt thiết bị quân sự và đạn dược ở Phần Lan. Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết, Mỹ sẽ được cấp “quyền tiếp cận và sử dụng không bị cản trở” tại 15 căn cứ trên khắp đất nước Bắc Âu này. Đáng chú ý, các khu vực này sẽ gồm 4 căn cứ không quân, một cảng quân sự và tuyến đường sắt dẫn tới miền bắc Phần Lan, nơi quân đội Mỹ sẽ có kho chứa vũ khí dọc theo tuyến đường sắt dẫn đến biên giới Nga. Các quan chức Phần Lan cho biết, DCA nhằm mục đích cho phép nhanh chóng tiếp cận quân sự và viện trợ của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, Phần Lan vẫn thận trọng khi sẽ không cho phép lưu trữ hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân và sinh học hoặc mìn sát thương trên lãnh thổ của mình nhằm tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã cam kết. Quân đội Mỹ có thể hiện diện thường trực và tập trận thường xuyên ở Phần Lan, nhưng không có kế hoạch xây dựng căn cứ lâu dài.

Theo Reuters, trong diễn biến liên quan khác, Phần Lan hiện đang cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt ở biên giới với Thụy Điển để tạo điều kiện cho các đồng minh dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị từ bên kia Đại Tây Dương đến Kemijarvi, cách biên giới Nga chỉ một giờ lái xe và cách không xa pháo đài hạt nhân của Nga, cũng như các căn cứ quân sự gần thành phố Murmansk ở bán đảo Kola vốn đều là các địa điểm chiến lược của Nga tại Bắc Cực.

THƯ LÊ

.