Quốc tế

Mỹ và đồng minh điều chỉnh lập trường về Israel

08:53, 18/12/2023 (GMT+7)

Thương vong không ngừng tăng ở mức độ báo động ở Dải Gaza trong cuộc xung đột Israel - Hamas hẳn là một trong những trăn trở khiến Mỹ và một số nước đồng minh điều chỉnh lập trường đối với Israel.

Những người Palestine di tản tập trung bên ngoài Bệnh viện al-Shifa ở Gaza. Ảnh: AFP
Những người Palestine di tản tập trung bên ngoài Bệnh viện al-Shifa ở Gaza. Ảnh: AFP

Ngay từ khi xung đột nổ ra vào tháng 10-2023, Tổng thống Joe Biden là người ủng hộ Israel nhiệt thành nhất. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, chứng kiến số dân thường vô tội liên tiếp thiệt mạng trong “bão không kích” của Israel, chính quyền ông Biden bắt đầu phát đi những cảnh báo ở mức độ nghiêm khắc hơn đối với Chính phủ Israel, và đi đôi đó là các khuyến nghị thay đổi chiến lược quân sự ngay lập tức.

Mỹ giục Israel đổi chiến lược

Theo CNN, Tổng thống Biden đã khiến dư luận hết sức ngạc nhiên khi thẳng thắn cảnh báo Israel sẽ mất thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế vì “đánh bom bừa bãi” ở Gaza. Ông Biden cho rằng, chính phủ liên minh cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là “chính phủ bảo thủ nhất” trong lịch sử nước này và điều này khiến nỗ lực rút ngòi nổ xung đột càng thêm khó. Lời chỉ trích mới nhất của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy ông dần vơi sự kiên nhẫn với ông Netanyahu. Bên cạnh đó, trong quan điểm về số phận của Gaza hậu xung đột, Mỹ có xu hướng ủng hộ giải pháp hai nhà nước và muốn giới chức Palestine giúp bảo đảm an ninh cho Gaza, thì trái lại, Israel tính toán thiết lập vùng đệm, muốn Gaza được phi quân sự hóa và nằm dưới sự kiểm soát an ninh của nước này.

Lý giải sự điều chỉnh về lập trường của Mỹ về Israel sau khi xuất hiện rạn rứt giữa hai bên, CNN đưa ra một số nguyên nhân chính yếu. Thứ nhất, Mỹ dần nhận thức rõ ràng hơn rằng việc duy trì hỗ trợ Israel có thể khiến cường quốc này bị xa lánh bởi các nước đối tác và điều này ít nhiều sẽ tác động đến các mục tiêu an ninh quốc gia rộng lớn hơn của Mỹ. Hơn nữa, làn sóng mới của chủ nghĩa bài Do Thái đang tiếp tục lan rộng ở mức đáng lo ngại ở Mỹ trong khi các cử tri người Mỹ gốc Arab, một nhóm quan trọng đối với đảng Dân chủ ở một số bang chiến địa quan trọng, cảnh báo sẽ quay lưng với đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Thứ hai, sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hiện có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu Mỹ cứ “kề vài sát cánh” với Israel.

Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng CQ Brown, hai nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ, đang tới Tel Aviv để tư vấn Chính phủ Israel về cách chuyển từ  hoạt động quy mô lớn chống lại Hamas sang chiến dịch hạn chế hơn, hay nói chính xác hơn là kiểu thay đổi chiến lược. Hai quan chức này vốn giữ vai trò lãnh đạo khi lực lượng không quân và lục quân Mỹ chuyển từ chiến đấu quy mô lớn sang các hoạt động chống khủng bố cường độ thấp hơn ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, hiện không rõ “lời khuyên” từ những bài học kinh nghiệm của họ sẽ tác động đến Chính phủ Israel đến mức nào. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng giục Israel chuyển sang hoạt động quân sự xác định “mục tiêu tấn công” rõ ràng hơn, thay vì bắn phá diện rộng kéo dài như trước giờ.

Các đồng minh khác cũng “đổi giọng”

Trong một động thái mang tính biểu tượng trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, ba đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Canada, Úc và New Zealand không “cùng hội cùng thuyền” với Mỹ về vấn đề ở Gaza. Theo đó, cả 3 nước này ủng hộ nghị quyết về lệnh ngừng bắn ở Gaza vốn bị Mỹ phủ quyết bởi cho rằng “cái giá để đánh bại Hamas không thể là sự đau khổ liên tục của tất cả người dân Palestine”. Thực tế này cũng gây bất đồng hiếm hoi trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Five Eyes”, vốn gồm cả Mỹ và Anh. Đáng chú ý, Anh, nước thường hưởng ứng quan điểm của Mỹ, bỏ phiếu trắng về nghị quyết này do lo ngại xung đột leo thang ở Gaza sẽ gây tổn hại cho chính mình. Thậm chí, sự không hài lòng của Anh đối với Israel ngày một rõ hơn vào ngày 16-12 khi Ngoại trưởng Anh David Cameron và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock cũng “đồng thanh tương ứng” khi nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt lệnh ngừng bắn bền vững để hướng đến nền hòa bình bền vững ở Dải Gaza càng sớm càng tốt.

Trong dấu hiệu cho thấy xung đột đang lan rộng từ Gaza đến Biển Đỏ, lực lượng Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen cho biết họ đã tấn công khu nghỉ dưỡng Eilat ở Biển Đỏ của Israel bằng dàn máy bay không người lái.

Israel - Hamas đang đàm phán thông qua Qatar
Theo Reuters, Israel dường như đang ngầm xác nhận vòng đàm phán ngừng bắn mới, mở ra cơ hội giải cứu thêm các con tin đang bị Hamas bắt giữ. Theo đó, Giám đốc Cơ quan tình báo Israel David Barnea gặp Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani ngày 15-12 để thúc đẩy đàm phán. Trước đó, Hamas truyền đạt quan điểm tới tất cả nhà hòa giải rằng lực lượng này sẽ không mở bất kỳ đàm phán nào để trao đổi tù nhân trừ khi hành vi gây hấn chống lại người dân ở Gaza chấm dứt “một lần và mãi mãi”. Israel đang thực hiện song song hai ý định: một mặt đàm phán để cứu con tin, trong khi lại tiếp tục tấn công Hamas. Ngày 16-12, Thủ tướng Netanyahu thông báo, Israel sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Hamas, bất chấp lời kêu gọi thống thiết từ người thân của các con tin bị giữ ở Gaza về lệnh ngừng bắt, sau khi quân đội nước này bắn chết 3 con tin vì nhầm lẫn họ là mối đe dọa. 

THƯ LÊ

.