Quốc tế
Kỳ vọng thêm tín hiệu tích cực ở Gaza
Dư luận quốc tế đang kỳ vọng sẽ có thêm chuyển biến tích cực để giải quyết cuộc xung đột Israel - Hamas trong bối cảnh các nước lớn đang tích cực kêu gọi các bên hướng đến chuyển lệnh ngừng bắn mang tính tạm thời sớm chuyển sang lâu dài và bền vững.
Người Palestine đi qua các tòa nhà bị phá hủy ở trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza, vào ngày 28-11. Ảnh: AP |
Trung Quốc góp tiếng nói tích cực, thúc đẩy các bên hướng đến hòa đàm, trong khi Mỹ cũng tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để thúc giục đồng minh Israel điều chỉnh chiến lược chiến dịch quân sự ở Gaza để bảo vệ tính mạng của dân thường.
Lập trường của Trung Quốc
Ngày 29-11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp để thảo luận về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như những diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Đây là cuộc họp đầu tiên của cơ quan quyền lực nhất LHQ sau khi thông qua nghị quyết đầu tiên kêu gọi Israel và Hamas tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo.
Có thể thấy điểm nhấn đáng chú ý nhất của cuộc họp cấp cao lần này là việc Trung Quốc công bố lập trường về vấn đề Palestine-Israel. Phát biểu tại cuộc họp quan trọng này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng là lộ trình hòa bình hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết trước đây của LHQ; đồng thời hối thúc LHQ, trong đó có HĐBA, thể hiện vai trò lớn hơn trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza. Đồng quan điểm, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh việc các bên phải đạt được một lệnh ngừng bắn nhân đạo và trả tự do cho tất cả con tin.
Ngày 30-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn bản mang tên “Tài liệu lập trường của Trung Quốc về giải quyết xung đột Palestine-Israel,”. Theo Reuters, văn bản đưa ra 5 điểm: Ngừng bắn toàn diện và chấm dứt chiến tranh, thực hiện các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng LHQ và HĐBA LHQ, đồng thời thực hiện ngay lệnh ngừng bắn nhân đạo lâu dài và bền vững; bảo vệ dân thường và chấm dứt mọi cuộc tấn công bạo lực nhằm vào dân thường; bảo đảm cứu trợ nhân đạo; tăng cường hòa giải bằng con đường ngoại giao, trong đó HĐBA phải phát huy vai trò trung gian và hòa giải, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, ngăn chặn xung đột lan rộng, duy trì hòa bình, ổn định ở Trung Đông; tìm kiếm giải pháp chính trị phù hợp với các nghị quyết liên quan của HĐBA và sự đồng thuận quốc tế.
Theo giới quan sát, văn bản nói trên của Trung Quốc cho thấy cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trung Quốc khác với của Mỹ. Trung Quốc duy trì lập trường cân bằng trong vấn đề Israel- Palestine dựa trên lời kêu gọi chấm dứt xung đột thông qua đàm phán bởi hai lý do chính. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn làm ảnh hưởng quan hệ với Israel vì điều đó sẽ tổn hại quan hệ Mỹ - Trung vốn còn nhiều trở ngại. Thứ hai, Trung Quốc muốn Trung Đông ổn định trở lại, một phần nhằm bảo toàn lợi ích kinh tế của nước này. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn hòa bình và thương mại bởi khoảng 60% lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh đến từ các nước Trung Đông và đây còn là thị trường xuất khẩu quan trọng.
Hướng đến ngừng bắn bền vững
Cuộc họp của HĐBA LHQ diễn ra trong bối cảnh Qatar, bên trung gian đàm phán thúc đẩy ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas thông báo các bên đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đến ngày 1-12 để tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo. Thỏa thuận ngừng bắn được gia hạn chỉ vài phút trước khi kết thúc vào 5 giờ ngày 30-11.
Trong khi đó, Mỹ tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để hối thúc Israel thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn trong trường hợp mở rộng cuộc tấn công tới miền nam Gaza, trong đó cần tính toán thu hẹp khu vực tác chiến, tránh để nơi đông dân cư trở thành mục tiêu tấn công, qua đó bảo đảm an toàn cho dân thường Palestine. Có thể thấy, động thái này của Mỹ nhằm tích cực ngăn chặn việc lặp lại con số thương vong dân thường vốn ở mức đáng lo ngại như trong các cuộc tấn công của Israel ở phía bắc Gaza.
Theo AP, tính đến nay, hai phần ba dân số 2,3 triệu người của khu vực này đã đổ xô tìm nơi trú ẩn ở phía nam để tránh bom bạn ở phía bắc. Ngoại trưởng Nhà nước Palestine Riyad Al-Maliki cho biết, hơn 15.000 người Palestine, trong đó có khoảng 10.000 phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng kể từ giao tranh nổ ra. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia chỉ trích phương Tây một lần nữa thể hiện “tiêu chuẩn kép” liên quan tới xung đột ở Dải Gaza khi họ kịch liệt lên án Hamas tấn công Israel nhưng không có hành động tương ứng khi Israel vượt quá phạm vi trả đũa, buộc người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa.
Theo các chuyên gia, dù Mỹ, Trung Quốc tích cực góp tiếng nói xoa dịu xung đột thì bất kỳ giải pháp nào đạt được cũng phải có sự tham gia của những bên liên quan trực tiếp, chí ít phải có sự can dự tích cực và chủ động hơn nữa của các nước trong khu vực với tư cách trung gian.
THƯ LÊ