Quốc tế

Thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch

07:58, 14/12/2023 (GMT+7)

Ngày 13-12, hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đạt thỏa thuận về giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính, báo hiệu sự kết thúc sớm của “kỷ nguyên dầu mỏ”.

Chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch

Theo Reuters, vào ngày làm việc cuối cùng của COP28, gần 200 quốc gia nhất trí thông qua thỏa thuận sau hai tuần đàm phán cam go. Thỏa thuận kêu gọi chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon. Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là “bước ngoặt lịch sử” bởi nhiều nước trước đó cố tình né tránh thảo luận về nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập niên đàm phán về khí hậu.

Trước đó, hơn 100 quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đã tích cực vận động loại bỏ dần dầu, khí đốt và than đá nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vốn một mực cho rằng có thể cắt giảm lượng khí thải mà không loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. OPEC lập luận rằng nhiên liệu hóa thạch có thể được “làm sạch” để trách tác động khí hậu bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2. Tuy nhiên, quá trình này rất tốn kém và vẫn chưa được kiểm chứng tính hiệu quả trên quy mô lớn. Màn tranh luận gay gắt giữa hai bên cũng là lý do khiến thỏa thuận không đi xa đến mức tìm cách “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch mà thay vào đó chỉ sử dụng thuật ngữ “chuyển đổi”.

Theo AP, các thành viên của OPEC kiểm soát gần 80% trữ lượng dầu thế giới và khoảng 1/3 sản lượng dầu hằng ngày toàn cầu. Nhóm OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh như Nga, thậm chí còn kiểm soát thị phần lớn hơn trong trữ lượng và sản xuất dầu thô toàn cầu, lần lượt là khoảng 90% và 40%. Các nước này phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu khí. Do đó, bất kỳ văn bản nào kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch đều đe dọa đến mô hình xây dựng nền kinh tế của những “ông lớn” này.

Thắng lợi của ngoại giao khí hậu

Theo giới quan sát, thỏa thuận được xem là thắng lợi cho chủ nghĩa đa phương và ngoại giao về khí hậu, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ đến giới đầu tư và hoạch định chính sách rằng lần đầu tiên cộng đồng quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết về cắt giảm nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Văn bản gây chú ý một phần bởi nó được thông qua tại nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Đó cũng là lý do giới quan sát ví von đây là “sự đồng thuận của UAE”. Hơn nữa, chính lập trường tích cực hơn của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, cũng đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng thỏa thuận.

Theo CNN, trước thềm COP28, hai nước đã ký bản tuyên bố chung nhằm thay thế dần nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Bản tuyên bố này được dùng để làm tài liệu tham khảo quan trọng cho các cuộc đàm phán tại hội nghị năm nay. 

Giờ đây, khi thỏa thuận được ký kết, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện thông qua các chính sách và đầu tư quốc gia. Tại Mỹ, nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới và là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử, giới chức đang nỗ lực thông qua các đạo luật về khí hậu trong bối cảnh Quốc hội bị chia rẽ. Tổng thống Joe Biden đã giành được chiến thắng lớn trên mặt trận này vào năm ngoái khi thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó gồm hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho xe điện, gió, năng lượng mặt trời và các công nghệ năng lượng sạch khác. Tương tự, việc tăng cường đầu tư công cho năng lượng tái tạo và xe điện ở châu Âu và Trung Quốc, cùng với việc cải tiến công nghệ và đầu tư tư nhân ngày càng tăng cũng đã thúc đẩy quá trình rời xa nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, thỏa thuận có thể là bài toán khó với các nước đang phát triển bởi họ đang cần thêm hàng trăm tỷ USD hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

THƯ LÊ

.