Quốc tế

"Trục quyền lực" mới ở Trung Đông

08:41, 15/12/2023 (GMT+7)

Trong lúc địa chính trị thế giới biến động phức tạp, đặc biệt “chảo lửa Trung Đông” trở thành tâm điểm thu hút với xung đột Hamas-Israel, Mỹ buộc phải “quay lại” củng cố vị thế của mình bằng cách trợ giúp hết mình cho Israel. Tuy nhiên, sự trở lại lần này gặp “vật cản lớn” đang được hình thành trên nền tảng mới mẻ.

Cách đây hơn 10 năm, khi Mỹ bắt đầu chuyển hướng chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, giảm hiện diện ở Trung Đông, Nga đã tranh thủ thời cơ trợ giúp Syria chống khủng bố, từng bước thiết lập căn cứ quân sự lớn ở quốc gia này và gia tăng tầm ảnh hưởng nhiều nước khác ở khu vực phức tạp này. Trong nhiều động thái khác nhau, chuyến thăm chớp nhoáng kéo dài một ngày gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, vốn là những đồng minh chiến lược của Mỹ, đã nói lên rất nhiều điều.

Ngoài màn trình diễn đội bay hộ tống chuyên cơ ông Putin, Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Nga để tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác hướng tới tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tới. Ngoài ra còn có các cuộc đàm phán chiến lược giữa Nga và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho rằng, sự phối hợp và hợp tác chính trị với Nga giúp tạo tác động tích cực đến nhiều vấn đề ở Trung Đông và giúp tăng cường an ninh khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh, mối quan hệ Nga- UAE đạt mức cao chưa từng thấy. UAE là đối tác thương mại chính của Nga trong số các quốc gia Arab. Tương tự, trong 7 năm qua, Nga và Saudi Arabia cũng duy trì mối quan hệ ổn định, tốt đẹp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo.

Chuyến đi cho thấy nỗ lực của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông trong bối cảnh Nga vẫn đang đối mặt với bão trừng phạt của phương Tây và Nga cũng không giấu ý định đảm đương vai trò lớn hơn về trung gian hòa giải ở khu vực, khi xung đột Israel - Hamas có nguy cơ lan rộng. Không những vậy, ngay sau khi về nước, ông Putin lại đón tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và cuộc hội đàm thảo luận những thách thức toàn cầu rộng lớn hơn và khẳng định sự hợp tác song phương đang ở tầm cao chưa từng có.

Giới quan sát cho rằng, ngoài việc củng cố đồng minh thân cận Syria, việc Nga chọn Iran, UAE và Saudi Arabia để nâng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông là bước đi chiến lược đầy khôn ngoan và hiệu quả. Thực tế, UAE và Saudi Arabia vốn là đồng minh của Mỹ nhưng những năm qua đã có nhiều “rạn nứt” do vấn đề sản lượng dầu khí cũng như vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, và mới nhất là xung đột Israel - Hamas. Mặt khác, việc Iran, vốn là đối thủ của Mỹ, gần đây bất ngờ nối lại quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia sau thời gian dài “băng giá” đã gây chấn động chính trường thế giới. Sự nồng ấm giữa Syria với Liên đoàn các nước Arab cũng khiến Mỹ cảm thấy “bực bội” và lúng túng.

Tất cả những chỉ dấu đó cho thấy, Nga xác định Trung Đông là “một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại”. Khu vực này cũng là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nga khi ngày càng có nhiều công ty Nga quan tâm thâm nhập thị trường Trung Đông, từ các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến các sản phẩm quốc phòng... Vì thế, Nga âm thầm triển khai chiến lược Trung Đông bằng cách tạo dựng mối liên kết cơ bản với hai cường quốc trong khu vực là Iran và Saudi Arabia để thúc đẩy phát triển kinh tế, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và các đồng minh phương Tây với hơn 13.000 lệnh trừng phạt, cũng như nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực vốn được xem là “căn cứ địa” của Mỹ kể từ sau Thế chiến 2.

Những diễn biến nói trên đúng như chuyên gia Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Viện Beirut (Lebanon) nhân định: Tổng thống Nga muốn tạo ra liên minh chính trị Nga - Iran - Saudi Arabia, trong đó biến Saudi Arabia thành đối tác của các bên tham gia thay vì đối thủ của nhau.

TUYẾT MINH

.