Quốc tế
Biến chuyển mới trên chính trường Nhật Bản
Chỉ trong 16 tháng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phải tiến hành cải tổ nội các lần thứ ba trong bối cảnh đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đối mặt với một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất trong nhiều thập niên.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiến hành cải tổ nội các sau bê bối gây quỹ. Ảnh: Reuters |
Ngày 15-12, Thủ tướng Kishida dự kiến thay thế các thành viên nội các chủ chốt. Động thái này diễn ra sau khi ông chấp thuận đơn từ chức cùng một lúc của 4 bộ trưởng thuộc phái ABE quyền lực nhất trong đảng LDP trong nỗ lực vực dậy niềm tin công chúng sau vụ bê bối gây quỹ chính trị. Đáng chú ý, chánh văn phòng nội các kiêm người phát ngôn hàng đầu của chính phủ nằm trong số các thành viên nội các bị thay thế lần này.
Bê bối gây quỹ chính trị
Theo Kyodo, 4 nhân vật dính bê bối gồm Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno (tương đương cấp bộ trưởng), Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita và Bộ trưởng Nội vụ Junji Suzuki. Ngoài ra, có 5 thứ trưởng cấp cao cũng từ chức.
Tổng Thư ký Thượng viện của LDP Tsuyoshi Takagi và Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách LDP Koichi Hagiuda dự kiến cũng có động thái tương tự. Trước các cáo buộc nối tiếp nhau liên quan các quỹ chính trị làm lung lay niềm tin của công chúng, cũng như nhiều lùm xùm khác, các quan chức này quyết định từ chức.
Vụ bê bối làm “dậy sóng” chính trường Nhật Bản sau khi xuất hiện đơn khiếu nại hình sự cáo buộc 5 phe phái LDP báo cáo thấp so với thực tế doanh thu từ hoạt động gây quỹ chính trị cho đảng với ý định tạo các quỹ đen bí mật. Theo các nguồn điều tra, ông Matsuno, người giữ chức Tổng Thư ký của phe lớn nhất trong LDP năm 2020 và 2021, bị nghi đã không khai báo khoản thu nhập hơn 10 triệu yen (69.000 USD) thu được từ sự kiện gây quỹ của nhóm.
Trong khi đó, ông Nishimura được cho là có liên đới sau khi kế nhiệm ông Matsuno đảm nhận vị trí Tổng Thư ký này. Các công tố viên đang xem xét khả năng vi phạm luật kiểm soát quỹ chính trị khi phái lớn nhất trong LDP bị cáo buộc đã chia “tiền hoa hồng” cho các thành viên một phần doanh thu của đảng từ việc bán vé với khoản tiền lên tới khoảng 500 triệu yen trong 5 năm (đến năm 2022).
Vụ việc chấn động lần này khiến một số nhà quan sát chính trị liên tưởng đến vụ bê bối tuyển dụng với các cáo buộc “giao dịch nội gián” vào cuối thập niên 1980 khiến Thủ tướng Noboru Takeshita lúc bấy giờ và một số quan chức chính phủ khác phải rời nhiệm sở.
Các nguồn tin chính phủ cho biết, cựu Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, thành viên của phe lớn thứ tư trong LDP, nhiều khả năng thay thế Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, trong khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Ken Saito sẽ đảm nhận cương vị của ông Nishimura.
Nỗi lo của ông Kishida
Sự xáo trộn về nhân sự lần này xuất hiện trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Kishida chứng kiến tỷ lệ ủng hộ trên đà giảm mạnh ở mức đáng lo ngại. Japan Times dẫn kết quả thăm dò gần đây cho thấy, kể từ khi vụ bê bối được phanh phui vài tuần trước, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với ông Kishida giảm xuống khoảng 23%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10-2021. Chỉ 17% số người được hỏi trong cuộc thăm dò của Jiji cho biết, họ ủng hộ chính quyền của ông Kishida, mức thấp nhất đối với bất kỳ thủ tướng nào trong hơn một thập niên.
Cũng không nằm ngoài “sự lao dốc tín nhiệm” này, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng LDP giảm xuống dưới 30% lần đầu tiên kể từ năm 2012, khi đảng này trở lại nắm quyền sau một thời gian ngắn thống trị gần như toàn bộ nền chính trị Nhật Bản thời hậu chiến. Những lùm xùm trên chính trường Nhật Bản cũng là lý do chính khiến ông Kishida cân nhắc hoãn chuyến công du tới Brazil và Chile vào tháng 1-2024.
Điều đáng nói nữa chính là việc từ chức hàng loạt lần này khiến LDP rơi vào tình thế rất bất thường khi không có đại diện từ phái lớn nhất của đảng này trong nội các, qua đó khiến công tác điều hành đất nước của chính quyền ông Kishida ắt hẳn gặp thêm trở ngại.
Sự việc cũng đe dọa chương trình nghị sự sắp tới của ông Kishida vào thời điểm nước này đang ở “điểm uốn lịch sử” trong cuộc chiến 25 năm với giảm phát để hướng đến chu kỳ tăng trưởng mới, cũng như kế hoạch mở rộng quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến 2.
Thực tế, ông Kishida không nhất thiết phải kêu gọi cuộc bầu cử trước tháng 10-2025 trong khi phe đối lập đang rạn nứt. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị đặt câu hỏi đáng ngại hơn: Liệu trước sự ủng hộ ngày càng suy giảm, ông Kishida có thể vẫn nắm quyền cho đến trước thềm cuộc bỏ phiếu lãnh đạo LDP vào năm tới hay không?
Tác động nhãn tiền đến chính sách tiền tệ Reuters dẫn lời ông Jun Iio, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia ở Tokyo, cho biết: “Uy tín của ông Kishida thực sự bị ảnh hưởng. Ông ấy đang thay thế các bộ trưởng trong khi chính phủ vẫn đang đau đầu về vấn đề ngân sách. Điều đó có thể gây gián đoạn hơn nữa, và trên hết, không biết liệu có thêm bộ trưởng nào khác thực sự gặp vấn đề tương tự hay không”. Biến động chính trị xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong lúc đang lên kế hoạch thoát khỏi tình trạng lãi suất cực thấp trong nhiều thập niên. Ông Shigeto Nagai, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, nhận định: “Với ảnh hưởng ngày càng giảm của phái lớn nhất trong đảng cầm quyền, lời kêu gọi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ tài khóa mở rộng có thể biến mất”. |
THƯ LÊ