Quốc tế
Nhật Bản sắp lưu dấu trên Mặt Trăng
Việc tàu thăm dò của Nhật Bản đi vào quỹ đạo Mặt Trăng đánh bước tiến lớn trong nỗ lực đổ bộ lên vệ tinh lớn thứ 5 trong hệ Mặt Trời sắp tới, qua đó tiếp nối thành công trước đó của Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Mô phỏng cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của tàu SLIM (Nhật Bản) vào tháng 1-2024. Ảnh: JAXA |
Theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản đi vào quỹ đạo Mặt Trăng thành công vào ngày 25-12, sau hai lần thất bại trước đó. Quá trình đáp xuống của SLIM dự kiến diễn ra vào ngày 20-1-2024 và sẽ tiếp đất sau 20 phút.
Hạ cánh tại “nơi mong muốn”, thay vì “nơi có thể”
Dù đi sau trong nỗ lực đổ bộ lên Mặt Trăng nhưng Nhật Bản thu hút sự chú ý của giới khoa học bởi không giống các sứ mệnh tương tự của các quốc gia khác trước đó, tàu SLIM có thể là tàu đổ bộ mặt trăng đầu tiên hạ cánh trong phạm vi 100m, tính từ mục tiêu cụ thể trên Mặt Trăng trong khi phạm vi bình thường lên tới vài km hoặc hơn 10km. Nếu thành công, SLIM sẽ đánh dấu bước tiến từ “hạ cánh ở nơi có thể” sang “hạ cánh ở nơi mong muốn” cho các sứ mệnh trong tương lai, trong đó có việc tìm kiếm nước, đòi hỏi các tàu phải hạ cánh ở bề mặt không bằng phẳng như sườn dốc.
Nhận định về khả năng này, ông Shinichiro Sakai, Giám đốc dự án SLIM của JAXA cho rằng, sai số dự kiến dưới 100m của SLIM cho thấy mức độ chính xác từng được cho là điều không thể, nhờ vào nỗ lực kéo dài 20 năm của giới nghiên cứu. Với sự tiến bộ về công nghệ, nhu cầu xác định chính xác các mục tiêu như miệng núi lửa và đá trên bề mặt Mặt Trăng ngày càng tăng. “Đã qua rồi cái thời chỉ mong muốn khám phá nơi nào đó trên Mặt Trăng’”, ông Sakai nói. Độ chính xác của SLIM có thể giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của Mặt Trăng thông qua phân tích thành phần đá được cho là thuộc lớp phủ của vệ tinh này; đồng thời giúp lấy mẫu lớp băng vĩnh cửu ở đây trở nên dễ dàng hơn, đưa các nhà khoa học tiến gần hơn việc khám phá bí ẩn xung quanh tài nguyên nước.
CNBC dẫn lời ông Kari Bingen, Giám đốc Dự án An ninh Hàng không Vũ trụ và là thành viên cấp cao của Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Dù Nhật Bản sở hữu khoa học vũ trụ mạnh mẽ nhưng sứ mệnh SLIM rất phức tạp về mặt kỹ thuật và sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, tôi tin rằng Nhật Bản sẽ thành công”. Việc tàu hạ cánh một cách chính xác và đáng tin cậy sẽ giúp thiết lập căn cứ của con người trên Mặt Trăng, mở đường chinh phục các hành tinh thậm chí còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt Trăng.
SLIM không phải là tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản đi vào quỹ đạo Mặt Trăng. Theo trang Space, tàu thăm dò Hiten đã làm như vậy vào năm 1990, tiếp theo là SELENE (còn được gọi là Kaguya) vào năm 2007. Hakuto-R, tàu đổ bộ do công ty ispace có trụ sở tại Tokyo chế tạo, đã vào quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 3-2023 và cố gắng hạ cánh một tháng sau đó nhưng bị rơi.
Chạy đua với Trung Quốc
Khi cuộc chạy đua không gian ở châu Á tiếp tục “nóng” lên, Mỹ càng mong muốn hợp tác với khu vực này và việc tăng cường năng lực canh tranh với Trung Quốc về mặt trận tiềm năng này là một trong những ưu tiên lớn.
Tháng 1-2023, Mỹ và Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực không gian, gồm cùng khám phá Mặt Trăng và các hành tinh khác. Năm 2020, Nhật Bản cũng là một trong 7 quốc gia đối tác ban đầu ký Hiệp ước Artemis, tập hợp các tuyên bố thiết lập cách các nước có thể hợp tác hòa bình và có trách nhiệm khi khám phá Mặt Trăng. “Dù Trung Quốc là “một phần của phương trình”, nhưng đây không phải là lý do duy nhất để Mỹ và các đối tác cùng khám phá không gian. Mọi thứ, từ niềm tự hào dân tộc, khám phá khoa học, lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia, tiến bộ công nghệ… Tất cả những lý do đó sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc đua lên Mặt Trăng”, ông Bingen lưu ý.
Các quốc gia khác ở châu Á cũng tham gia Hiệp ước Artemis. Ấn Độ trở thành bên ký kết mới nhất trong khu vực vào tháng 6-2023. Singapore vẫn là quốc gia Đông Nam Á duy nhất ký kết thỏa thuận này. Dự án Artemis, với sự tham gia của Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia khác, nhằm mục đích đạt được chuyến hạ cánh lên Mặt Trăng đầu tiên của phi hành đoàn kể từ năm 1972. Theo đó, họ hy vọng sẽ thực hiện chuyến hạ cánh đầu tiên vào cuối năm 2025, sau đó là mỗi năm một lần từ năm 2028.
Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không dừng lại ở đó và cả hai nước đều đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên vũ trụ vào thập niên này. “Việc đưa phi hành gia lên vũ trụ là sự lãng phí tiền bạc khổng lồ trong khi gửi robot đi thử nghiệm trong không gian rẻ hơn và an toàn hơn nhiều. Song, cảm giác phấn khích của con người khi đích thân khám phá không gian sẽ không bao giờ dừng lại”, ông Bingen nói.
Hàn Quốc công bố bản đồ toàn diện về Mặt Trăng Ngày 26-12, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết, tàu thăm dò không người lái Danuri của nước này vừa công bố bản đồ toàn diện về Mặt Trăng nhân kỷ niệm 1 năm thực hiện sứ mệnh. Tấm bản đồ, ghép từ các quan sát ghi được bằng ống kính phân cực trong 250 ngày qua, gồm cả mặt sáng và mặt tối của Mặt Trăng. Danuri cũng công bố những hình ảnh về miệng núi lửa Tycho và dữ liệu về từ trường và tia gamma thu thập trong 1 năm qua. Danuri, sứ mệnh không gian đầu tiên của Hàn Quốc ngoài quỹ đạo Trái Đất, sẽ tiếp tục đến tháng 12-2025, đóng góp dữ liệu quan trọng cho nỗ lực khám phá Mặt Trăng. |
THƯ LÊ