Quốc tế

Nhiều nước EU phớt lờ bảo đảm an ninh cho Ukraine

08:16, 26/12/2023 (GMT+7)

Vấn đề bảo đảm an ninh, đặc biệt khi sau xung đột với Nga chấm dứt là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn tỏ ra không mặn mà với kế hoạch tạo “chiếc ô an ninh” cho Ukraine do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 3, bên phải sang) và các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Litva vào tháng 7-2023. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 3, bên phải sang) và các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Litva vào tháng 7-2023. Ảnh: Getty Images

G7 thông qua tuyên bố ủng hộ Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva vào tháng 7-2023. Tuyên bố bao gồm hỗ trợ an ninh, vận chuyển vũ khí, phát triển cơ sở công nghiệp, huấn luyện quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ hoạt động mạng cũng như kỹ thuật và tài chính. Theo Financial Times, các biện pháp bảo đảm an ninh của Ukraine có thể được thực hiện dưới hình thức thỏa thuận song phương với Pháp, Đức, Mỹ và một số quốc gia khác về tài chính dài hạn, cũng như cung cấp khí tài quân sự và huấn luyện cho binh lính. Giới quan sát nhận định, bảo đảm an ninh cho Ukraine không chỉ xoay quanh cung cấp viện trợ mà còn thúc đẩy sự hội nhập toàn diện của Ukraine vào hệ thống an ninh châu Âu - Đại Tây Dương, cũng như tăng cường khả năng tương tác giữa các đối tác đối ứng.

Tuy nhiên, các cam kết an ninh được đề cập trong tuyên bố chung của G7 lại không có khung thời gian cụ thể để thực hiện. Ukraine hy vọng, các bảo đảm an ninh cho nước này sẽ được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO tại Washington vào tháng 7-2024.

Mới đây, European Pravda dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các đại diện của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) đã đến Kiev để bắt đầu tiến trình tham vấn về gói bảo đảm an ninh cho Ukraine. Theo đó, gói này dự kiến gồm 9 ưu tiên liên quan vấn đề an ninh trong tương lai của EU, gồm: hỗ trợ phương tiện và thiết bị quân sự; huấn luyện quân đội Ukraine; hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine; chống lại các mối đe dọa mạng và hỗn hợp (hybrid); hỗ trợ rà phá bom mìn; thực hiện cải cách liên quan quá trình gia nhập EU; tăng cường khả năng kiểm soát vũ khí; hỗ trợ bảo đảm an toàn hạt nhân; trao đổi thông tin tình báo, đặc biệt hình ảnh vệ tinh.

Trước đó một ngày, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak thông báo, có trên 30 quốc gia đã tham gia tuyên bố về bảo đảm an ninh và 15 quốc gia bày tỏ sẵn sàng bắt đầu tham vấn về các thỏa thuận song phương. Đầu tháng 9-2023, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cũng cho biết, nước này kỳ vọng có 51 quốc gia trở thành những nước bảo đảm chính cho an ninh của Ukraine.

Tuy nhiên, Phó chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây tiết lộ, cho đến nay, 6 nước EU gồm Áo, Croatia, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Malta vẫn chưa tán thành các bảo đảm an ninh nói trên. Nguyên nhân được bộc lộ thông qua thực tế hoặc ngầm hiểu của 6 nước nói trên về vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine. Cụ thể, giữa Ukraine và Ba Lan gần đây bất đồng về các cuộc biểu tình do những người tài xế Ba Lan tổ chức ở biên giới khi những người này phản đối các quy định mới của EU đang thiên vị cho Ukraine và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, các nước EU vẫn giữ thế trung lập không thể ủng hộ tuyên bố này, mặc dù tất cả đều cam kết  thảo luận vấn đề này trong tương lai. Trong khi đó, Hungary và Slovakia luôn phản đối việc gửi viện trợ quân sự tới Ukraine. Hungary cũng hoài nghi về nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine trong khi Slovakia cũng lên tiếng cảnh báo rằng việc gia nhập EU của Ukraine vẫn còn rất xa.

Đáng chú ý, trước đó, Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Peter Stano lên tiếng về quan điểm của EU trong bảo đảm an ninh cho Ukraine khi cho rằng: “EU đang hỗ trợ Ukraine trong một số lĩnh vực, nhưng bảo đảm an ninh không phải là vấn đề của EU”. Ông Stano lý giải: “EU không phải là tổ chức an ninh. Đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận về bảo đảm an ninh là cuộc thảo luận dành cho NATO và cho từng thành viên, chứ không phải cho EU”?!

Những động thái nói trên cho thấy, việc tìm kiếm các thỏa thuận an ninh của Ukraine hiện nay, nhất là với một đối tác vô cùng quan trọng như EU đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ không còn tiền để viện trợ và những bất đồng trong nội bộ EU về hàng loạt vấn đề liên quan Ukraine.

Nga lập lực lượng mới ở châu Phi để thay thế Wagner
Theo Vedomosti, Nga đã bắt đầu thành lập “Quân đoàn châu Phi” để thay thế các đơn vị của công ty quân sự tư nhân Wagner đang hoạt động trên lục địa này. Cơ cấu quân sự này dự kiến được đưa vào sử dụng ở 5 quốc gia châu Phi vào mùa hè năm 2024. Các quốc gia này gồm Burkina Faso, Libya, Mali, Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Niger.

“Quân đoàn châu Phi” được thành lập từ các đơn vị cũ của Wagner và các thành viên đã rời nhóm sau cái chết của người sáng lập Wagner là Evgeny Prigozhin. Giới quan sát nhận định, “Quân đoàn châu Phi” không giống các tập đoàn an ninh phương Tây và châu Á đã hoạt động ở “lục địa đen” trong 30 năm qua. Đây không phải chỉ là việc cung cấp thiết bị an ninh hay huấn luyện quân sự mà là “lực lượng độc đáo” có khả năng thực hiện hoạt động quân sự.

TUYẾT MINH

.