Quốc tế

Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ đất hiếm

09:18, 23/12/2023 (GMT+7)

Ngày 21-12, Trung Quốc triển khai thêm lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm và áp đặt thêm các hạn chế xuất khẩu khác liên quan nhóm kim loại vốn rất thiết yếu trong công nghiệp này.

Một mỏ đất hiếm ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc).  Ảnh: Reuters
Một mỏ đất hiếm ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Động thái trên là phản ứng mới nhất của Trung Quốc trước các tín hiệu gần đây cho thấy Mỹ và Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào các đối tác cung cấp từ Trung Quốc của họ.

Nỗ lực bảo vệ công nghệ đất hiếm

Bloomberg dẫn tài liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21-12 cho biết, nước này đã đưa các công nghệ sản xuất đất hiếm và nam châm đất hiếm vào danh mục không được phép chuyển giao ra nước ngoài. Danh sách các lệnh cấm mới gồm công nghệ dành cho việc chiết tách đất hiếm cũng như sản xuất kim loại và nam châm sử dụng từ đất hiếm. Các công nghệ dành cho khai thác, tách quặng, luyện kim được xếp vào diện “hạn chế” thay vì “cấm”.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc định vị rõ rệt vai trò là quốc gia thống lĩnh trong lĩnh vực khai thác và tinh chế đất hiếm, nhóm kim loại gồm 17 nguyên tố hóa học vốn được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm công nghệ chế tạo, từ các turbine điện gió cho tới các thiết bị phần cứng quân sự và xe điện.

Những quy định mới này không ảnh hưởng trực tiếp tới các lô hàng đất hiếm xuất khẩu, mục đích chính của chúng cốt để gây khó cho những bên có ý định phát triển ngành công nghiêp khai thác, xử lý và tinh chế đất hiếm bên ngoài Trung Quốc. Thời gian qua, các kim loại thiết yếu như đất hiếm trở thành vấn đề rất được quan tâm khi ngày càng nhiều nước phương Tây coi nguồn cung cho các vật liệu trọng yếu đó là vấn đề an ninh quốc gia. Điều này ngày càng được nhấn mạnh hơn khi công cuộc chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thiếu các nguyên liệu đó.

Mỹ đang lĩnh xướng chiến dịch giảm bớt vị thế áp đảo của Trung Quốc trong loạt các kim loại, từ đất hiếm đến lithium và cobalt. Trước đó, tháng 7-2023, để phản ứng với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu với gallium, germanium và graphite vốn đều là những vật liệu quan trọng cho công nghiệp sản xuất và bán dẫn. Tới tháng 10-2023, Trung Quốc tiếp tục công bố quy định kiểm soát xuất khẩu với một số loại graphite, thành phần quan trọng trong sản xuất pin xe điện.

Thách thức với Mỹ và phương Tây

Trong khi chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của EU đều cam kết thêm nguồn hỗ trợ ngân sách mới cho các đối tác cung cấp tiềm năng của họ, song giới quan sát cho rằng, động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ đặt ra những thách thức công nghệ đáng kể cho các nhà sản xuất phương Tây. Họ sẽ đối mặt với những vấn đề không đơn giản khi muốn tìm cách phát triển công nghệ tinh chế đất hiếm, những điều mà người Trung Quốc đã tích lũy kinh nghiệm và thành thạo trong vài chục năm qua.

Thực tế, mãi tới gần đây, vẫn hầu như không có cơ sở tinh chế đất hiếm nào bên ngoài Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa các công ty cũng như giới nghiên cứu của quốc gia tỷ dân đã gây dựng lợi thế rất lớn cả về công nghệ cũng như kỹ năng thực tiễn trong việc làm thế nào để tách chiết cũng như xử lý đất hiếm hiệu quả, và hẳn là họ đã bỏ xa giới chuyên gia ở những nơi khác về vấn đề này.

Năm ngoái, Trung Quốc chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng đất hiếm khai thác toàn cầu, và theo các số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia tập trung gần như toàn bộ năng lực tinh chế xử lý đất hiếm trên toàn thế giới. Nước này cũng nắm vị trí thống lĩnh trong việc cung cấp các nam châm đất hiếm, sản phẩm chính được sử dụng trong nhiều loại hàng hóa sản xuất công nghiệp khác.

“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”
Ngay từ năm 1992, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh tiềm năng của cường quốc này trong việc có thể dẫn đầu thế giới về các kim loại thiết yếu khi nói rằng “Trung Đông có dầu mỏ. Trung Quốc có đất hiếm”. Dù vậy, phải tới năm 2010, thế giới mới lần đầu tiên chú ý tới vị thế kiểm soát thị trường đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc khi vào năm đó, nước này bắt đầu áp đặt quy định hạn chế nghiêm ngặt với việc xuất khẩu các kim loại này. Dù sau đó rốt cuộc Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng buộc Trung Quốc phải đảo ngược các lệnh hạn chế đó thông qua Tổ chức Thương mại thế giới nhưng những quan ngại về vị thế thống lĩnh của Trung Quốc trên thị trường này vẫn còn tiếp tục kéo dài khi các đối tác cung cấp cho phương Tây đối mặt với những trở ngại lớn về môi trường, kỹ thuật và thương mại khi tìm kiếm và phát triển nguồn cung thay thế khác ngoài Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.