Quốc tế

Ba Lan có Thủ tướng mới

07:18, 13/12/2023 (GMT+7)

Quốc hội Ba Lan đã cho phép ông Donald Tusk thành lập Chính phủ mới và trở thành tân Thủ tướng, qua đó hứa hẹn cuộc cách mạng về cả cục diện chính trị trong nước cũng như quan hệ của nước này với thế giới bên ngoài, đặc biệt triển vọng hàn gắn với Liên minh châu Âu (EU).

Tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trước Quốc hội ở Warsaw vào ngày 12-12. Ảnh: Reuters
Tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trước Quốc hội ở Warsaw vào ngày 12-12. Ảnh: Reuters

Với việc ông Tusk (66 tuổi), lãnh đạo Liên minh Dân sự đối lập, trở thành Thủ tướng mới, truyền thông quốc tế gọi đây là sự kết thúc 8 năm cầm quyền của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc dưới sự dẫn dắt của cựu Thủ tướng Mateusz Morawiecki, qua đó mở đường cho chính phủ mới thân châu Âu và báo hiệu sự trở lại với xu hướng chủ đạo của “lục địa già”.

Sự trở lại của ông Tusk

Theo Reuters, ngày 11-12, Hạ viện Ba Lan (Sejm) bỏ phiếu thông qua đề xuất giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới cho ông Tusk với 248 phiếu thuận, 201 phiếu chống và không có phiếu trắng. Ông Tusk dự kiến phát biểu trước Quốc hội Ba Lan vào ngày 12-12; đồng thời yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với nội các do ông đệ trình. Chính phủ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 13-12.

Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Ba Lan không ủng hộ đề xuất lập nội các mới của ông Morawiecki. Điều này đồng nghĩa ông không thể tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng. Trong cuộc bầu cử ngày 15-10, một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất ở châu Âu năm nay, đảng PiS của ông Morawiecki đứng đầu nhưng không đủ đa số tại Quốc hội để lập chính phủ.

Theo luật, Quốc hội Ba Lan trao cơ hội cho ông tìm cách liên minh với các đảng khác để thành lập nội các nhưng Morawiecki đã không thành công khi tất cả đảng đều từ chối hợp tác. Như vậy, đảng PiS không thể làm nên lịch sử với tham vọng tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, điều vốn chưa từng có ở nước này kể từ năm 1989.

Ông Tusk, chính trị gia thân EU, không phải là gương mặt mới mẻ trên chính trường bởi ông từng giữ chức Thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2014. Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và lãnh đạo cơ quan điều hành của khối đến cuối năm 2019.

Hàn gắn quan hệ với EU

Đa số chính trị gia trên khắp châu Âu giờ đây thở phào nhẹ nhõm với sự trở lại cầm quyền của ông Tusk. Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Kinh nghiệm và cam kết mạnh mẽ của ông Tusk đối với các giá trị châu Âu sẽ rất quý giá trong việc xây dựng một châu Âu mạnh mẽ hơn, vì lợi ích của người dân Ba Lan”.

Cảm xúc tương tự cũng được thể hiện ở Đức. Bà Katja Leikert, thành viên quốc hội Đức thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, cho rằng: “Một chính phủ dân chủ và thân châu Âu ở Ba Lan có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng này”.

Thực tế, thời gian qua, đảng PiS cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc với mục tiêu bảo vệ chủ quyền và truyền thống của Ba Lan khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Trong những năm qua, chính phủ cánh hữu ở Ba Lan dưới sự dẫn dắt của đảng PiS trở thành “cái gai” đối với EU bởi tư tưởng hoài nghi châu Âu, chỉ trích gay gắt các thể chế của EU tại Brussels và bỏ phiếu chống lại các luật quan trọng của EU. Thậm chí, AP dự đoán, nếu đảng PiS “bắt tay” với một đảng cực hữu khác để lập chính phủ mới thì viễn cảnh này có thể đẩy Ba Lan tiến gần hơn đến khả năng Polexit, tức Ba Lan rút khỏi EU.

Một thực tế đã xảy ra với nước Anh với cú quay xe Brexit, khiến vị thế chính trị của “mái nhà chung” EU thêm lung lay. Mối quan hệ giữa Ba Lan và EU cũng gặp không ít trắc trở khác, trong đó có việc EU đóng băng hàng chục tỷ euro do bất đồng về nỗ lực cải cách dân chủ ở quốc gia Đông Âu này. Trong khi đó, quan hệ giữa nước này với Đức, đầu tàu của EU, cũng xấu đi trong những năm gần đây, khi đảng PiS kiên quyết đòi Đức trả hơn 1.000 tỷ euro bồi thường chiến tranh.

Sau những khúc mắc nói trên, các quan chức và chuyên gia EU hy vọng, chính phủ trung hữu mới của Ba Lan, đặc biệt là quan điểm thân EU của ông Tusk, sẽ phá băng quan hệ với khối 27 thành viên. Điều này nhiều khả năng trở thành hiện thực bởi trước đó ông Tusk cam kết khôi phục chế độ pháp quyền để thuyết phục EU giải ngân 35 tỷ euro tiền tài trợ và cho vay từ chương trình cứu trợ đại dịch của EU và 76,5 tỷ euro tiền phát triển thường xuyên của khối này cho Ba Lan.

Quan điểm về vấn đề Ukraine
Chính phủ mới của Ba Lan nhiều khả năng phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giải quyết tác động từ xung đột hiện nay ở quốc gia láng giềng Ukraine. Theo AP, vốn là đồng minh nhiệt thành với Ukraine từ những ngày đầu xung đột Nga-Ukraine nổ ra nhưng mối quan hệ này ngày càng xấu do tranh cãi xoay quanh vấn đề ngũ cốc, và thậm chí càng bế tắc hơn sau khi chính quyền ông Morawiecki muốn ngừng gửi vũ khí đến Ukraine. Ông Tusk sẽ tới Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần để thảo luận những vấn đề quan trọng đối với tương lai của Ukraine. Ngày 12-12, ông Tusk cho biết, Ba Lan sẽ huy động nguồn lực của toàn bộ phương Tây để hỗ trợ Ukraine, Ông Tusk cũng khẳng định, Ba Lan sẽ là đồng minh trung thành của Mỹ; đồng thời giữ vị trí lãnh đạo ở châu Âu và sẽ là một phần mạnh mẽ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

THƯ LÊ

.