Quốc tế

Thượng đỉnh Trung Quốc - EU có gì mới?

09:40, 08/12/2023 (GMT+7)

Sự kiện đang được dư luận quốc tế hết sức quan tâm là hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh vào ngày 7-12 đúng dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và 25 năm thiết lập cơ chế gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai bên.

Theo Euractiv, đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU kể từ năm 2019, và trong năm 2023 liên tục có các cuộc gặp cấp cao là biểu hiện của sự “nồng ấm dần lên” trong quan hệ song phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế khó khăn, EU sẽ không cứng rắn như Mỹ đối với Trung Quốc mà mong muốn tăng cường hợp tác và tìm kiếm các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế toàn cầu và mang tính chiến lược mà hai bên cùng quan tâm; trao đổi phương hướng, vấn đề chiến lược và toàn cầu cùng quan tâm nhằm hoạch định kế hoạch chi tiết, xác định trọng tâm và tạo động lực phát triển quan hệ song phương.

Trong bối cảnh hai bên còn nhiều “dị biệt”, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Trung Quốc và EU là đối tác, không phải đối thủ và “những lợi ích chung của hai bên sẽ vượt lên trên những bất đồng”. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn; đồng thời sẽ hợp tác để ứng phó với thách thức toàn cầu.

European Newsroom dẫn lời Chủ tịch EU Von der Leyen cho rằng, về kinh tế, EU không tìm cách “xa rời” Trung Quốc mà muốn “giảm rủi ro” cho các mối quan hệ thông qua thương lượng trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa các nước thành viên EU và Trung Quốc ngày càng tăng. EU nhận thấy thâm hụt thương mại giữa các nước thành viên với Trung Quốc trong 2 năm qua đã tăng gấp đôi lên gần 400 tỷ euro.

Bà  Von der Leyen cho rằng, các nhà lãnh đạo EU sẽ không chấp nhận việc quan hệ thương mại dần mất cân bằng. EU có các công cụ để bảo vệ thị trường của khối, song muốn có các giải pháp thông qua thương lượng. Đây là những lựa chọn đang được cân nhắc. Chủ tịch EU thúc giục Trung Quốc nên xem xét cẩn thận những lựa chọn này.

Tuy nhiên, như để phản bác lại những lời cảnh báo nói trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Nếu EU một mặt áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc và mặt khác hy vọng tăng đáng kể xuất khẩu sang Trung Quốc, tôi e rằng điều này là vô nghĩa”.

Trước đó, tháng 10-2023, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng Đại diện Cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell tiến hành đối thoại chiến lược cấp cao Trung Quốc - EU lần thứ 12 tại Bắc Kinh. Tại đây, ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với EU và coi EU là một cực độc lập và quan trọng trong một thế giới đa cực.

Ông Vương Nghị nêu rõ, hai bên đã nối lại các trao đổi ở mọi cấp, và các hội nghị cấp cao về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, kỹ thuật số, kinh tế và thương mại đã diễn ra thành công, dẫn tới những kết quả và đồng thuận mới. Thông qua đối thoại chiến lược, hai bên cần hiểu đúng về nhau, duy trì cam kết đối tác, củng cố sự tin cậy chính trị và tránh hiểu nhầm.

Trong khi đó, ông Borrell cũng cho biết, EU coi trọng quan hệ với Trung Quốc và cam kết phát triển quan hệ ổn định. Hợp tác kinh tế và thương mại giữa EU và Trung Quốc đáp ứng lợi ích của cả hai bên và EU sẽ không đóng cửa với Trung Quốc. Đồng thời cho biết ông gửi thông điệp tới các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng Brussels coi trọng Trung Quốc và trông đợi được đáp lại tương tự.

Giới quan sát đều có chung nhận định cuộc gặp dự báo nhiều phức tạp, khó khăn, và sẽ có nhiều lời lẽ tuyên bố mạnh mẽ hơn là kết quả cụ thể.

TUYẾT MINH

.