Quốc tế
Ông Biden và nỗ lực xóa nợ cho sinh viên
Khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2024 sắp bước vào giai đoạn cao điểm thì các bên lần lượt tung ra các “ngón đòn trong tay áo”. Và đương kim Tổng thống Joe Biden cũng không ngoại lệ với kế hoạch xóa nợ cho sinh viên trị giá hàng tỷ USD nhằm thu hút thêm lá phiếu bầu của cử tri trẻ bất chấp tranh cãi, phản bác vẫn còn đó.
Chính phủ Mỹ xóa các khoản vay sinh viên của hơn 150.000 người vay theo kế hoạch mới. Ảnh: NBC News |
Hơn 150.000 người Mỹ hưởng lợi
Ngày 21-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tiếp tục xóa nợ cho hàng trăm nghìn sinh viên người Mỹ trong nỗ lực thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri trẻ, đặc biệt là cử tri da màu, trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Cụ thể, những sinh viên đã trả khoản vay trong 10 năm, hay đã vay từ 12.000 USD trở xuống đều sẽ được xóa khoản tiền nợ còn lại. Theo tính toán của Nhà Trắng, biện pháp này sẽ xóa nợ 1,2 tỷ USD, mang lại lợi ích cho 153.000 người Mỹ.
Cùng ngày, ông Biden ca ngợi đây là “kế hoạch trả nợ hợp lý nhất từ trước đến nay”. Ông lý giải, bằng cách giải phóng hàng triệu người Mỹ khỏi khoản nợ khổng lồ của các chương trình cho vay sinh viên, điều đó có nghĩa là họ cuối cùng có cuộc sống đỡ chật vật hơn, mở đường cho kế hoạch kinh doanh và mua nhà, thúc đẩy kinh tế nói chung.
NBC News dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardon cho biết, việc xóa khoản nợ vay sinh viên 1,2 tỷ USD mới nhất đã nâng tổng số tiền mà ông Biden đã xóa trong thời gian tại vị lên 138 tỷ USD cho 3,9 triệu người vay nhằm chi trả cho giáo dục đại học. Nó khác xa so với kế hoạch ban đầu của ông, vốn sẽ hủy khoản nợ lên tới 400 tỷ USD cho khoảng 43 triệu người đi vay. Song, ngay cả những người chỉ trích ông Biden cũng thừa nhận rằng ông đã tiến xa hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong việc giảm bớt gánh nặng nợ nần cho hàng triệu người đi vay.
Tranh cãi chưa hồi kết
Dĩ nhiên, chính sách tích cực do chính ông Biden khởi xướng đã mang lại niềm vui cho những người vẫn chưa trả được nợ. Theo AP, học phí đại học ở Mỹ rất cao nên đa số sinh viên Mỹ phải vay nợ để trang trải chi phí học tập, chờ khi ra trường sẽ trả dần từ lương. Học phí tại các trường đại học ở Mỹ rơi vào khoảng từ 10.000 đến 70.000 USD mỗi năm và sinh viên sau khi tốt nghiệp thường gánh một khoản nợ lớn.
Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD. Trong 13 năm qua, tổng nợ của sinh viên tăng gấp ba lần. Có những tình cảnh bế tắc nhất khi những sinh viên bỏ phải học nửa chừng. Theo Sáng kiến Dữ liệu Giáo dục, cơ quan nghiên cứu dữ liệu về hệ thống giáo dục Mỹ, khoản nợ sinh viên ở nước này hiện 1.700 tỷ USD và khoản nợ vay sinh viên liên bang trung bình của mỗi người là hơn 37.000 USD.
Những tưởng chính sách này sẽ nhận được sự đồng tình rộng rãi trên khắp cả nước nhưng Tòa án tối cao Mỹ, chính quyền các bang và một số cá nhân vẫn một mực phản đối. Đảng Cộng hòa một mực chỉ trích kế hoạch này gây lãng phí hàng trăm tỷ USD đối với ngân sách quốc gia, có thể thêm dầu vào “ngọn lửa” lạm phát, và đáng ra có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.
Trong khi đó, các sinh viên vốn cật lực làm thêm kiếm tiền để trang trải học phí mà không đi vay tiền của nhà nước thấy rõ sự bất công khi so với người đi vay trước đó giờ lại được hưởng xóa nợ. Hơn nữa, quyết định xóa bớt nợ vô hình trung sẽ gây ra tâm lý dựa dẫm vào các khoản trợ cấp của chính phủ như vậy. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng đưa ra ý kiến phản đối quyết sách của Nhà Trắng khi nói rằng: “Điều này sẽ rất bất công đối với hàng triệu triệu người đã trả nợ bằng sự chăm chỉ và siêng năng”.
Chiến dịch tái tranh cử của Biden đã quảng bá những lợi ích kinh tế và xã hội mạnh mẽ từ các chính sách của ông đối với giới trẻ Mỹ, nhưng cho đến nay, các cử tri trẻ không mấy hào hứng với việc ông trở lại Nhà Trắng. Do đó, quyết sách xóa nợ được xem như một trong những canh bạc chính trị giúp ông lấy lại lòng tin của cử tri trẻ. Cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac công bố ngày 21-2 cho thấy ông Biden và ông Trump đang cạnh tranh gay gắt để giành lá phiếu của giới trẻ Mỹ, với 47% cử tri trong độ tuổi 18-34 dự định bỏ phiếu cho ông Biden và 45% cho ông Trump.
Chương trình xóa nợ sinh viên được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 8-2022, trở thành một trong những cam kết trọng tâm của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ tới 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm. Đối với những sinh viên thụ hưởng Chương trình Trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp) sẽ được xóa nợ 20.000 USD. Chương trình này dựa trên Đạo luật Giáo dục Đại học Mỹ năm 1965, trao cho Bộ trưởng Giáo dục quyền “thỏa hiệp, từ bỏ hoặc giải phóng các khoản vay trong một số trường hợp nhất định”. |
THƯ LÊ