Quốc tế

Đức, Pháp chưa có tiếng nói chung về vấn đề Ukraine

08:17, 13/03/2024 (GMT+7)

Quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa lãnh đạo hàng đầu Pháp và Đức, hai nước đầu tàu và trung tâm của sự gắn kết của Liên minh châu Âu (EU), đang làm chậm lại các quyết sách quan trọng của khối trước những vấn đề cấp bách nhất, trong đó có viện trợ Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có những quan điểm khác biệt về xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có những quan điểm khác biệt về xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP

Việc thẳng thừng công khai chỉ trích lẫn nhau gần đây giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz càng cho thấy những khác biệt sâu sắc hơn trong quan điểm về xung đột ở Ukraine, cũng như cách ứng phó của EU trước một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn và mối liên hệ với một nước Mỹ với nền chính trị phân cực ngày càng lớn.

Chỉ trích lẫn nhau từ viện trợ...

Bất đồng âm ỉ giữa hai ông Scholz và Macron về viện trợ cho Ukraine bùng nổ thành cuộc tranh cãi công khai. Sau cuộc gặp ở Paris của các nhà lãnh đạo châu Âu cuối tháng 2-2024, ông Macron chỉ trích các đồng minh vì từ chối gửi xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa tới Ukraine.

Theo New York Times, giới chức Đức phàn nàn rằng mặc dù Tổng thống Macron hay thể hiện lập trường cứng rắn liên quan xung đột ở Ukraine nhưng lại “tụt hậu” so với những gì Đức đang viện trợ cho Ukraine. khoản viện trợ mà Pháp cấp cho Ukraine chỉ vỏn vẹn bằng khoảng 3% trong số vũ khí trị giá 17,1 tỷ euro mà Đức cam kết với Ukraine.

Tuy nhiên, Pháp phản bác khi cho rằng họ đang cung cấp cho Ukraine với các loại vũ khí thực sự quan trọng có thể thay đổi cục diện trên chiến trường mà không do dự, như tên lửa hành trình tầm xa Scalp, trong khi Đức lại ngần ngại gửi tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến nhất của mình: Taurus. Đến nay, Đức từ chối cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cũng như không ủng hộ Ukraine đàm phán gia nhập NATO. Các quan chức Đức lo ngại, việc vận hành Taurus sẽ cần có sự tham gia trực tiếp của quân nhân Đức trên thực địa để lập trình tên lửa, và hơn nữa, Đức có xu hướng đi sau Mỹ một bước trong việc trang bị vũ khí hiện đại cho Ukraine.

Theo Politico, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính sách của Đức dựa trên nguyên tắc rõ ràng: tránh đối đầu trực tiếp với Nga bằng mọi giá. Đức không phải là nước duy nhất có tâm thế thận trọng như vậy. Ngay từ đầu cuộc xung đột, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết để tự vệ mà không cung cấp quá nhiều đến mức lôi kéo Mỹ vào cuộc đối đầu với Nga.

...cho đến ý tưởng điều quân

Gần đây, Tổng thống Macron thoải mái lặp lại việc không loại trừ đưa quân đội phương Tây đến Ukraine, một đề xuất khiến các đồng minh vốn muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga càng thêm ngạc nhiên, đặc biệt là Đức một mực phớt lờ. Ngạc nhiên là phản ứng dễ hiểu bởi vào mùa hè năm 2022, ông Macron đề xuất tạo trật tự an ninh châu Âu, trong đó vẫn có Nga, nhưng kể từ đó, ông đã thay đổi quan điểm.

“Liên minh đã thống nhất rằng, sẽ không có binh lính nào được gửi đến Ukraine từ các quốc gia châu Âu hoặc các nước thành viên NATO,” ông Scholz nói trong lời khiển trách trực tiếp với ông Macron. Lãnh đạo các nước Ba Lan, Ý và Cộng hòa Czech cũng “đồng thanh tương ứng” tuyên bố của ông Scholz dù quan chức Pháp sau đó thanh minh rằng ý tưởng này đề cập tới lực lượng phương Tây đảm trách nhiệm vụ phi chiến đấu sau tiền tuyến và bình luận của ông Macron chỉ nhằm tạo sự mơ hồ chiến lược cho Nga về những gì NATO có thể làm sắp tới. Có thể hiểu Đức phản ứng ý tưởng của nhà lãnh đạo Pháp bởi họ có nỗi lo về tính bị tổn thương về mặt chiến lược của Đức khi nước này chưa phải là một cường quốc hạt nhân.

Ông Macron nhận xét ông Scholz là người thận trọng quá mức và phụ thuộc vào Mỹ; đồng thời cho rằng những giới hạn cứng nhắc trong phản ứng quân sự của phương Tây đang mang lại lợi thế cho Nga, và ông lo ngại rằng ông Scholz có thể không thể hiểu được tầm quan trọng của việc châu Âu cam kết hoàn toàn về một nền quốc phòng thống nhất cần thiết trong nhiều năm để ứng phó với Nga. Ở chiều ngược lại, ông Scholz luôn tránh việc đối đầu trực tiếp với Nga, ngay cả khi Đức đã cung cấp viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine lớn hơn nhiều so với Pháp. Hơn nữa, Đức vẫn hoài nghi về phản ứng tập thể của châu Âu đối với Nga, và cho rằng “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu - cụm từ ưa thích của ông Macron - đang dẫn đến “một rời xa triệt để” khỏi Mỹ.

Những căng thẳng mới nhất giữa lãnh đạo Đức và Pháp phản ánh những phong cách cá nhân khác nhau cũng như sự khác biệt về lợi ích quốc gia cốt lõi.

Những bất đồng cũng nảy sinh trong nhóm 4 nước Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia và Ba Lan (hay còn được gọi là Bộ tứ Visegard) về xung đột ở Ukraine. Trong cuộc họp gần đây ở thủ đô Prague, nhóm 4 nước thành viên EU và NATO này đều có quan điểm trái ngược. Hungary và Slovakia chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với xung đột Ukraine là thất bại hoàn toàn và phản đối các lệnh trừng phạt lên Nga.

THƯ LÊ

.