Quốc tế

Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza, liệu có hiệu quả?

08:02, 04/03/2024 (GMT+7)

Ngày 2-3, quân đội Mỹ và không quân hoàng gia Jordan tiến hành chuyến bay thả viện trợ nhân đạo xuống Gaza, mở đầu cho đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden giữa lúc khu vực này đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Nỗ lực bền vững

Theo CNN, thông báo của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, 3 máy bay vận tải quân sự C-130 được huy động để vận chuyển 66 kiện hàng gồm hơn 38.000 suất ăn cho người dân ở Gaza. Số hàng viện trợ này được thả xuống Tây Nam Gaza, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của dải đất này để người dân có thể dễ dàng tiếp cận. CENTCOM cho biết: “Những đợt thả hàng này là một phần trong nỗ lực bền vững nhằm đưa thêm viện trợ vào Gaza, gồm việc mở rộng dòng viện trợ qua các hành lang và tuyến đường trên đất liền”. Các quan chức Nhà Trắng mô tả đợt thả hàng thành công là thử nghiệm quan trọng cho thấy rằng Mỹ và các đồng minh có thể thực hiện nhiều đợt thả hàng nữa trong tương lai. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của Israel và các quốc gia khác như Ai Cập và Pháp cũng lên kế hoạch tương tự.

Kế hoạch Mỹ thả hàng hóa xuống Gaza diễn ra sau vụ ít nhất 100 người Palestine thiệt mạng do không kích trong lúc xếp hàng chờ nhận viện trợ ở khu vực phía Bắc Gaza. Ông Biden cho biết, Mỹ đang nỗ lực làm trung gian về lệnh ngừng bắn cho phép viện trợ bổ sung. Sau đợt thả hàng ngày 2-3, ông Biden cho biết, viện trợ đưa tới Gaza gần như không đủ và rằng Mỹ sẽ tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để đưa thêm thêm viện trợ. Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang xem xét khả năng thiết lập  hành lang trên biển từ Cộng hòa Cyprus đến Gaza để chuyển hàng viện trợ nhân đạo quốc tế cho người dân chịu ảnh hưởng của xung đột.

Bộc lộ lỗ hổng

Theo Reuters, một số quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của phương pháp, cho rằng hàng hóa có thể rơi vào tay nhóm vũ trang Hamas thay vì người dân, do lực lượng Mỹ không có binh sĩ tại thực địa để kiểm soát tiếp nhận hàng.

Một số chuyên gia cho rằng, việc buộc phải sử dụng biện pháp thả hàng viện trợ là minh chứng mới nhất cho thấy ảnh hưởng hạn chế của Mỹ đối với Israel khi nước này theo đuổi cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Trong nhiều tháng, chính quyền ông Biden không thể thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép thêm viện trợ vào Gaza. Tuy nhiên Mỹ không gây áp lực lên Israel trong vấn đề vũ khí. “Nếu Chính phủ Mỹ từ chối sử dụng bất kỳ đòn bẩy đáng kể nào để kết thúc xung đột ở Gaza, thì họ sẽ chỉ có những biện pháp tuyệt vọng và không thỏa đáng như thế để cố gắng giải quyết thảm họa nhân đạo này”, ông Brian Finucane, cựu luật sư của Bộ Ngoại giao Mỹ hiện làm việc tại tổ chức International Crisis Group, bình luận.

Một quan chức khác nhận định, phương pháp thả hàng viện trợ chỉ mang lại hiệu quả hạn chế và không giải quyết được cốt lõi vấn đề. Chỉ có việc mở cửa biên giới ở Dải Gaza mới có thể ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở dải đất. Dave Harden, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Bờ Tây, nhấn mạnh: “Các đợt thả hàng viện trợ chỉ mang tính hình thức và được thiết kế theo cách nhằm xoa dịu người dân trong nước. Điều thực sự cần phải làm là mở thêm nhiều con đường và nhiều xe tải đi vào Gaza hơn mỗi ngày”. Đồng quan điểm, Tổ chức từ thiện Hỗ trợ y tế cho người Palestine có trụ sở tại Anh thúc giục Mỹ, Anh và các nước khác nên có động thái để bảo đảm rằng Israel ngay lập tức mở tất cả các cửa khẩu vào Gaza để nhận viện trợ.

Dải Gaza đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, trong khi công tác cứu trợ nhân đạo gặp trở ngại. Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 576.000 người ở Gaza,  tương đương 25% dân số, đang ở bên bờ vực của nạn đói. Trong khi đó, quan chức cấp cao Mỹ ngày 2-3 cho biết, Israel đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza, với điều kiện Hamas phải đồng ý thả những con tin dễ bị tổn thương.

NGHI VĂN

.