Quốc tế

Trung Quốc và lộ trình phát triển kinh tế mới

08:02, 05/03/2024 (GMT+7)

Tuần này, Trung Quốc tiến hành kỳ họp lưỡng hội thường niên, một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, để xác định lộ trình phát triển kinh tế mới vào đúng thời điểm mang tính quyết định đối với nước này.

Kỳ họp thứ hai Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khai mạc vào ngày 4-3 tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã
Kỳ họp thứ hai Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khai mạc vào ngày 4-3 tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã

Kỳ họp lưỡng hội năm nay bắt đầu với phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC - Chính hiệp) vào ngày 4-3 và kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) khóa 14 vào ngày 5-3. Kỳ họp đặt ra các ưu tiên về kinh tế, ngoại giao, quân sự và phát triển xã hội cho năm 2024. Sự kiện năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra trong Kế hoạch quốc gia 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và tiến tới hiện đại hóa Trung Quốc, một mục tiêu bao trùm mà theo đó các động cơ kinh tế dự kiến không chỉ tăng tốc mà còn được thúc đẩy bởi “lực lượng sản xuất mới”.

Xác định mục tiêu tăng trưởng GDP

Tại kỳ họp này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dự kiến công bố loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, năm quan trọng trên con đường hướng tới hiện đại hóa đất nước. Các nhà quan sát cho rằng, mối quan tâm về cách hai phiên họp đưa ra lộ trình phát triển kinh tế Trung Quốc là rất cao vì nó cũng sẽ có tác động sâu rộng trong việc định hình bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu. Quỹ đạo phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán cho toàn cầu.

Theo Global Times, một trong những mục tiêu kinh tế được theo dõi rộng rãi nhất trong hai phiên họp là mức tăng trưởng GDP bởi Trung Quốc vẫn nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trong khi phải đối mặt với áp lực từ bên trong và bên ngoài. Năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, cao hơn mục tiêu ban đầu, nhưng con số này vẫn chưa đủ để vực dậy tâm lý thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang gặp một số thách thức. 

Các nhà quan sát dự đoán, mục tiêu GDP năm 2024 có thể ở mức khoảng 5%, qua đó thể hiện kinh nghiệm thực tiễn và tư duy mấu chốt của các nhà hoạch định chính sách. “Điều quan trọng là mục tiêu tăng trưởng GDP phải được đặt gần bằng mức của năm ngoái, hoặc thậm chí cao hơn, để kinh tế Trung Quốc tiếp tục con đường phát triển chất lượng cao”, ông Cao Heping, chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói với Global Times. Các chuyên gia khác tin tưởng, các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc sẽ tạo thêm sự chắc chắn cho nền kinh tế thế giới và Trung Quốc sẽ tiếp tục là nước đóng góp lớn nhất vào GDP toàn cầu trong năm nay.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các tín hiệu về chính sách kích thích kinh tế sẽ được công bố tại sự kiện. Wirun Phichaiwongphakdee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Thái Lan-Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu quốc gia Thái Lan, cho rằng từ hai phiên họp này cũng sẽ đặt ra phương hướng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

“Lực lượng sản xuất mới”: động lực của phát triển

Dư luận kỳ vọng kỳ họp lần này sẽ công bố kế hoạch chi tiết để xây dựng “lực lượng sản xuất mới” vốn được xem là động lực chính vực dậy nền kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19. Đây là khái niệm được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập lần đầu vào năm 2023 khi ông tuyên bố “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” là những ngành công nghiệp cần trở thành “lực lượng sản xuất mới”. Tạo ra “lực lượng sản xuất mới” là bước quyết định trong quá trình phát triển chất lượng cao của nền kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi kinh tế và cách mạng công nghệ sâu rộng.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch chi tiết về sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi và mang tính chiến lược trong thời đại số hóa và tự động hóa như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán bán dẫn và lượng tử. Vì sao cần chuyển đổi sang “lực lượng sản xuất mới”? Theo SCMP, nền kinh tế Trung Quốc lâu nay phụ thuộc nhiều vào sản xuất và bất động sản, song những lĩnh vực này gặp khó khăn trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, trước cuộc đua công nghệ toàn cầu nóng bỏng và sự thúc đẩy không ngừng nghỉ do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế sự trỗi dậy ngành công nghệ Trung Quốc, việc tạo ra “lực lượng sản xuất mới” cũng là điều cần thiết để Trung Quốc tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Cũng tại kỳ họp lần này, giới chức Trung Quốc sẽ đề xuất các giải pháp nhằm củng cố niềm tin của nền kinh tế tư nhân vốn là động lực quan trọng tạo việc làm và là tác động không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế nói chung; đồng thời thực hiện một loạt cải cách trong các hệ thống cơ bản của thị trường theo tiêu chuẩn “định hướng thị trường, dựa trên luật pháp và quốc tế hóa”, qua đó xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, khôi phục nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện ở mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990.

THƯ LÊ

.