Quốc tế
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lại sắp tái diễn?
Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng cách đây 4 năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được khởi sự dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, bất đồng dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gay gắt, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, cũng như do tác động nhiều chiều cả song phương lẫn trên bình diện toàn cầu.
Loạt chuyến đi của các quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Quốc từ giữa 2023 để trao đổi, giám sát và thậm chí đưa ra cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc không có biện pháp ngăn chặn hoặc chấm dứt “tài trợ” cho các tập đoàn kinh tế lớn gây bất bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh cũng như liên quan xung đột Nga-Ukrain. Theo AP, tháng 4-2024, ông Biden nói không muốn có thêm xích mích với Trung Quốc nhưng Mỹ cần phải chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng và tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc.
Ông Biden nhấn mạnh: “Tôi đang tìm kiếm sự cạnh tranh nhưng phải công bằng”. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng đó không phải mục tiêu chủ yếu của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc thuế quan của chính quyền Mỹ làm gián đoạn nghiêm trọng trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa hai nước và cho rằng chúng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Theo Wall Street Journal, các chính sách tăng thuế áp đặt vào hàng hóa Trung Quốc dự kiến được công bố trong tuần này. Một trong những điểm nổi bật của chính sách thuế mới này là việc tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc, từ mức 25% hiện tại lên 100%. Vì các quốc gia công nghiệp hóa gồm Mỹ và các đồng minh châu Âu lo ngại làn sóng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc lấn át ngành sản xuất trong nước. Về phía Mỹ, có mối lo ngại đặc biệt rằng các sản phẩm năng lượng xanh của Trung Quốc sẽ làm suy yếu các khoản đầu tư lớn thân thiện với môi trường được thực hiện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà ông Biden ký thành luật vào năm 2022. Ngoài ra, chính quyền ông Biden sẽ giữ nguyên một số mức thuế đã được chính quyền tiền nhiệm ban hành từ năm 2018, gồm khoảng 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính sách thuế nhập khẩu mới lần này sẽ bổ sung thêm sản phẩm như ống tiêm và thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm mọi cách để từng bước chia tách nền kinh tế của mình với nhau. Các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực thay thế các thiết bị, máy móc, linh kiện… bằng hàng nội địa hoặc nhập từ các quốc gia phát triển khác. Ở khía cạnh khác, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga, ASEAN và nhiều nước trong nhóm Nam bán cầu vượt qua giao thương giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu. Ở chiều ngược lại, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ và các nước phương Tây khác như Apple, HP, Stellantis cũng tìm mọi cách để đưa các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến một nước khác hoặc trở về lại Mỹ. Hơn 1/3 số công ty Mỹ tham gia khảo sát của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung gần đây cho biết họ đã giảm hoặc ngừng kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc năm 2023.
Diễn biến đó làm cho kịch bản kinh tế thế giới dẫn tới chia tách thành các khối đối địch là điều không ai mong muốn. Tháng 10-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nếu kinh tế thế giới phân cực thành hai phe, GDP toàn cầu có thể tổn thất đến 7%, trong đó một số nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với những tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, việc tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế sẽ là thảm họa cho cả hai nước, cũng sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của thế giới. Việc bảo vệ một số công nghệ quan trọng khỏi quân đội Trung Quốc là vì lợi ích sống còn, chứ không phải để kìm hãm kinh tế Trung Quốc hay sự hiện đại hóa công nghệ. Do đó cần xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung Quốc mang tính xây dựng và công bằng.
Các nhà lãnh đạo Mỹ “mong muốn” là vậy, nhưng trên thực tế lại đang thúc đẩy “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc thì sự tổn hại nhất định sẽ xuất hiện không chỉ cho nhà sản xuất, người tiêu dùng của hai nước mà còn ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
LÊ MINH HÙNG