Quốc tế
Mất mát to lớn với Iran
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng là mất mát to lớn với đất nước này, gây chấn động toàn Trung Đông đúng lúc tình hình khu vực đang rối ren.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp ngày 19-5. Ảnh: WANA |
Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, vụ tai nạn xảy ra tại khu vực miền núi phía tây bắc Iran ngày 19-5. Trong số những người thiệt mạng còn có Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan cùng các quan chức và vệ sĩ. Sự ra đi của ông Raisi (63 tuổi) là cú sốc lớn với khoảng trống quyền lực vào thời điểm Iran đối mặt bất ổn cả trong và ngoài nước. Ngày 20-5, nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố quốc tang 5 ngày tưởng niệm các nạn nhân.
Chính trường Iran sẽ ra sao?
Theo IRNA, ngay sau vụ tai nạn, nội các Iran trấn an công chúng và triệu tập cuộc họp khẩn cấp, trong đó tuyên bố Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber (69 tuổi) là Tổng thống lâm thời trong thời gian chờ bầu cử trong 50 ngày tới, theo Hiến pháp Iran. Reuters dẫn thông cáo của chính phủ Iran khẳng định: “Chúng tôi bảo đảm rằng nỗ lực phụng sự đất nước vẫn tiếp tục với tinh thần không ngừng nghỉ của ông Raisi. Mọi hoạt động của nội các sẽ tiếp diễn mà không có bất cứ gián đoạn nào”.
Lãnh đạo Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác gửi lời chia buồn đến nhà lãnh đạo tối cao Khamenei, người dân và đất nước Iran về thảm kịch đau thương. Iran vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân tai nạn. Câu hỏi được đặt ra: Bộ máy chính trị của Iran và xung đột ở Trung Đông sẽ biến chuyển ra sao?
Telegraph dẫn lời ông Holly Dagres, chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho biết, theo điều 131 của Hiến pháp Iran, Lãnh tụ tối cao Khamenei là người đưa ra quyết định về chính sách quan trọng liên quan vận mệnh đất nước trong khi Tổng thống Raisi là chỉ người thực hiện, do đó mọi chính sách đối nội và đối ngoại sẽ vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, xét về lâu dài, dư luận tiếp tục thắc mắc về người kế nhiệm ông Khamenei bởi vai trò tổng thống của ông Raisi phần lớn được coi là “cuộc thử giọng” để trở thành Lãnh tụ tối cao tiếp theo. Trong trường hợp này, Mojtaba Khamenei, con trai của ông Khamenei, có thể là sự lựa chọn hợp lý nhất. Trước mắt, người dân sẽ dõi theo cách ông Mokhber vượt qua cái bóng quá lớn của ông Raisi để lãnh đạo đất nước vào thời điểm rạn nứt sâu sắc giữa nhà nước và xã hội Iran, và kinh tế đang loạng choạng do lệnh trừng phạt từ Mỹ, đặc biệt phải đưa ra quyết định lớn về chương trình hạt nhân.
Dù sự ra đi của ông Raisi mang tính kịch tính vào thời điểm Trung Đông đang đối mặt nhiều mặt trận xung đột nhưng diễn biến này có thể không tác động lớn đến cục diện hiện nay. Al Jazeera nhận định, mối quan hệ giữa các nhóm vũ trang như Hezbollah (ở Lebanon) và Iran khó có thể thay đổi. Đáng chú ý, Israel hiếm khi lên tiếng chính thức về các hoạt động ngoài nước, nhưng lần này đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận liên quan đến vụ tai nạn.
“Lỗ hổng” an toàn hàng không
Vụ tai nạn tiếp tục gióng hồi chuông về an toàn hàng không của Iran bởi nước này bị đánh giá là thị trường hàng không kém an toàn nhất tại Trung Đông. Theo Al Jazeera, gần 2.000 người Iran thiệt mạng trong các vụ rơi máy bay kể từ năm 1970. Các vụ tai nạn liên quan đến các hãng hàng không trong 45 năm qua cũng khiến hơn 1.700 người chết. Thực trạng này cho thấy hàng không tại Iran đặc biệt không an toàn và tác động không nhỏ từ “bão trừng phạt” hàng chục năm của Mỹ khiến Iran không thể tiếp cận phụ tùng, thiết bị hiện đại và các hãng hàng không phải tận dụng bộ phận của máy bay cũ. Nhiều máy bay bay ở nước này trở nên lỗi thời. Chiếc Bell 212 chở ông Raisi là mẫu trực thăng trung bình do Mỹ sản xuất vào thập niên 1960 vốn được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau và được hoán cải thành chuyên cơ phục vụ Chính phủ từ năm 2021.
Thảm kịch ngày 19-5 không phải là lần đầu tiên Iran chứng kiến vụ tai nạn máy bay chở quan chức Chính phủ cấp cao. Một Bộ trưởng Quốc phòng, một Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tư lệnh các lực lượng vũ trang hàng không, mặt đất của Iran cũng thiệt mạng trong các vụ tai nạn tương tự trước đây.
Ông Raisi, chính trị gia theo đường lối bảo thủ về tôn giáo, được bầu làm Tổng thống năm 2021, tạo dựng nhiều dấu ấn quốc tế với quan điểm cứng rắn trước Mỹ và đồng minh trong khu vực là Israel. Ông giữ quan điểm ủng hộ Palestine và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp vào cuộc xung đột tại Gaza. Đáng chú ý, ông Raisi theo đường lối cứng rắn hơn người tiền nhiệm Rouhani và chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Dưới thời ông Raisi, Iran làm giàu uranium gần mức cấp độ vũ khí hơn bao giờ hết, làm gia tăng căng thẳng với phương Tây. |
THƯ LÊ