Quốc tế
Thông điệp tĩnh lặng và chữa lành
Người chơi sẽ không làm gì, chỉ cần “ngồi không” trong vòng 90 phút. Người có nhịp tim ổn định nhất sẽ giành chiến thắng. Đó là nội dung cuộc thi thu hút sự tham gia đông đảo của người dân Hàn Quốc nhưng sức hút nằm ở thông điệp tích cực về cuộc sống.
Thông điệp “ngồi yên cũng có giá trị” được cho là để đi ngược lại chuẩn mực văn hóa vội vã “pali pali” (nhanh lên, nhanh lên) vốn khiến cuộc sống người dân căng thẳng trong nhiều thập niên qua.
10 năm vẫn “hot”
Theo CNN, hơn 100 người ngồi yên trên thảm tập yoga để... hoàn toàn không làm gì cả, trong sự kiện Space-out (Ngồi bất động) 2024 được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) gần đây vừa thử thách thể chất, vừa là khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa xã hội đầy bận rộn và cạnh tranh. Space-out 2024 diễn ra tại cầu Jamsu ở Công viên Banpo Hangang, đánh dấu kỷ niệm 10 năm cuộc thi được tổ chức. Đây là một trong những sự kiện thường niên thu hút được sự tham gia của người dân ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp.
Hơn 4.000 người đăng ký tham gia cuộc thi năm nay, trong đó 117 thí sinh được chọn tham gia thi đấu, gồm cả những đứa trẻ mới học lớp hai cho đến những người ở độ tuổi 60. Cuộc thi tìm ra người giỏi nhất trong việc ngồi im, duy trì sự tĩnh lặng trong 90 phút. Những hành động như sử dụng điện thoại, ngủ, cười, trò chuyện, ca hát hay ăn uống đều khiến người chơi bị loại. Nhịp tim của người tham gia được theo dõi trong khi khán giả bình chọn cho 10 thí sinh yêu thích của họ. Ai có nhịp tim ổn định nhất trong số 10 người này sẽ giành chiến thắng.
Kể từ khi Space-out đầu tiên được tổ chức tại Seoul năm 2014, các cuộc thi tương tự được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Rotterdam (Hà Lan), Đài Bắc (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật bản).
“Chút thời gian để nghỉ ngơi”
Theo Korea Times, “Tôi cần một chút thời gian để nghỉ ngơi” là khẩu hiệu của cuộc thi. Do vậy, đối với nhiều người tham gia, cuộc thi là dịp để hồi phục sau những căng thẳng ở một đất nước có áp lực học tập và làm việc cường độ cao như Hàn Quốc. Trong suốt 10 năm qua, vô số người tham gia cuộc thi và cho biết cuộc thi thể hiện mong muốn thoát khỏi sự bận rộn và guồng quay của cuộc sống. Do vậy, việc được “ngồi không” khiến nhiều người vừa cảm thấy hứng thú muốn thử sức khi đây là thử thách không hề dễ.
Trong số những người tham gia có vận động viên trượt băng tốc độ đội tuyển quốc gia từng đoạt huy chương Bạc Thế vận hội Kwak Yoon-gy (34 tuổi). “Tôi cố gắng tham dự Thế vận hội 5 lần và chưa bao giờ nghỉ ngơi hợp lý trong suốt 30 năm tập luyện. Tôi nghe nói sự kiện là nơi tôi có thể giải tỏa đầu óc và nghỉ ngơi, dù chỉ chút ít, nên tôi đến đây và nghĩ: Chà, đây chính là thứ mình rất cần”, CNN dẫn lời Kwak Yoon-gy, người giành giải Ba tại cuộc thi, cho biết. Woopsyang, nghệ sĩ thị giác lập nên cuộc thi này, giải thích động lực của cô khi tạo ra sự kiện như vậy là nhằm nêu bật giá trị của việc “không làm gì cả” trong xã hội bận rộn.
Có thể nói, trong thời đại công nghệ số, khi nhìn đâu cũng thấy nhiều đôi mắt “dán” vào điện thoại thông minh bất kể tối ngày. Hàng loạt dòng thông tin liên tục tràn vào trong thế giới đầy cạnh tranh và căng thẳng thì những cuộc thi thoạt tưởng chừng như trò vui hóa ra lại là cách cách để mọi người nhận ra giá trị của những phút giây thư giãn. Ngồi im không phải là lãng phí thời gian mà là khoảng lặng bạn thực sự cần. Đó cũng là cảm nhận của phát thanh viên tự do Kwon So-a (35 tuổi), người giành chức vô địch của cuộc thi năm nay.
“Hàn Quốc là một đất nước cạnh tranh. Mọi người nghĩ rằng nếu họ không làm việc thì họ sẽ bị tụt lại phía sau. Tôi nghĩ mọi người đều có tốc độ riêng của mình và đôi khi chúng ta cần chậm lại một chút. Đó là lý do mọi người nên tham gia Space-out”, cô nói.
Nhìn ra xa hơn về các nước khác, vẫn có những cuộc thi mang thông điệp tương tự mang nội quy độc đáo riêng có. Nổi bật trong số đó là cuộc thi “Công dân lười biếng nhất” nhằm tìm kiếm người có khả năng nằm yên một chỗ lâu nhất, diễn ra tại làng nghỉ dưỡng Brezna ở phía bắc Montenegro (quốc gia đông nam châu Âu). Các thí sinh được phép đọc sách, sử dụng điện thoại di động và máy tính xách tay, ăn uống... nhưng phải giữ nguyên tư thế nằm.
GIA NGHI