Đà Nẵng cuối tuần
5 nhà sưu tập "vẽ" nên thị trường tranh Hàn Quốc
Những năm gần đây, thị trường nghệ thuật thế giới chứng kiến sự phát triển và mở rộng đáng kể của thế giới nghệ thuật Hàn Quốc. Các hội chợ nghệ thuật, các gallery và các tổ chức nghiên cứu nghệ thuật mới nối nhau ra mắt khi những thành tựu nghệ thuật của quốc gia Đông Á này đang vươn đến được những khán giả mới của họ trên toàn cầu.
Luật sư Nam Jeong-Ho và các tác phẩm trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: Nam Jeong-Ho |
Sôi động trên cả nước
Thủ đô Seoul, nơi vào tháng 9 hằng năm diễn ra hai hội chợ nghệ thuật đã quen thuộc là Frieze và Kiaf, giờ đã là điểm tụ hội của những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật hiện đại và đương đại Hàn Quốc.
Ở bờ biển phía đông nam, thành phố Busan của Hàn Quốc đang nổi lên là một trong 5 thủ phủ nghệ thuật mới nổi trên sàn giao dịch tranh trực tuyến Artsy của năm 2024. Ngay trong thời gian này, triển lãm Art Busan lần thứ 14 cũng khai mạc. Thành phố đông dân thứ hai này của Hàn Quốc cũng sẽ tổ chức một sự kiện triển lãm nghệ thuật hai năm một lần vào tháng 8 năm nay. Sự phát triển của Busan trong lĩnh vực nghệ thuật cũng là chỉ dấu khác cho thấy động lực phát triển của thị trường này vẫn đang rất dồi dào trên phạm vi cả nước.
Để tạo nên sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ như vậy có vai trò rất lớn của các nhà sưu tập tranh. Bên cạnh nền tảng vững chắc của các bộ sưu tập gia đình đã có từ lâu, thị trường tranh Hàn Quốc còn được “tiếp lửa” với sự gia nhập sôi nổi của một lứa các nhà sưu tập trẻ hơn. Chính họ, với những thị hiếu nghệ thuật riêng biệt, độc đáo, và những cách tiếp cận thận trọng đã tạo nên một dung mạo và sức sống mới cho thị trường tranh Hàn Quốc những năm qua.
Các nhà sưu tập
Trong số các nhà sưu tập đó có hai vợ chồng bác sĩ Cho Jaeyong và Kim Hyunji tại Daegu, thành phố trực thuộc trung ương lớn thứ tư của Hàn Quốc. Sự nghiệp sưu tầm tranh của họ bắt đầu khi tìm mua tranh trang trí cho phòng mạch tư của chị Kim Hyunji.
“Hồi ấy tôi nghĩ chúng thật quá đắt và vô nghĩa”, anh Cho Jaeyong nói về những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng đầu tiên có trong bộ sưu tập của hai vợ chồng. Thế rồi 15 năm sau, ngôi nhà trước đây của họ nay là bảo tàng nghệ thuật, là điểm kết nối quan trọng tại thành phố Daegu, nơi trưng bày bộ sưu tập với tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng.
Với những người nghĩ rằng chỉ Seoul mới là nơi dành cho nghệ thuật của Hàn Quốc, bộ sưu tập tranh của anh Cho và chị Kim đã kể cho họ một câu chuyện khác. Vợ chồng họ hiện vẫn đang tiếp tục dành nhiều quan tâm cho hội họa đương đại và dự định sau rốt sẽ hiến tặng bộ sưu tập của mình cho cộng đồng.
Còn với luật sư Nam Jeong-Ho tại Seoul, duyên nợ với sưu tập tranh đã đến với anh như một phần công việc từ những ngày đầu tiên. Khi đó, một trong những dự án luật anh tham gia với tư cách luật sư là phải định giá một danh sách các tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, anh phải tới các hội chợ nghệ thuật và các phiên đấu giá tranh. “Rõ ràng tôi đã bị cuốn hút với việc này và tôi đã sưu tập tranh kể từ lúc ấy”, anh nhớ lại. Cũng kể từ đó, anh bắt đầu yêu thích tác phẩm của các họa sĩ như Jang Jong-Wan, người đã vẽ những bức tranh có lối “kể chuyện” thật tinh tế.
Với mẹ con bà Regina và Angela Lee, đam mê tranh đã trở thành sự gắn kết và hợp tác tuyệt vời giữa họ trong vai trò của một người sưu tập tranh còn người kia quản lý bộ sưu tập tại Seoul. “Thị trường tranh là một tam giác được tạo nên bởi ba cạnh là họa sĩ, phòng tranh, và nhà sưu tập; sự cân bằng là mấu chốt cho một thị trường lành mạnh”, chị Angela Lee nói khi đứng cạnh mẹ - bà Regina - người đã hỗ trợ rất nhiều các họa sĩ và phòng tranh cả trong và ngoài nước.
Có thể nhận ra mối quan tâm của họ với nghệ thuật đương đại thông qua tầm nhìn đi trước của họ với bộ sưu tập bao gồm từ những kiệt tác của trào lưu hội họa đơn sắc Dansaekhwa (họ mua chúng ngay từ lúc các tác phẩm này chưa được săn lùng nhiều như ngày nay), cho tới tác phẩm thể nghiệm và đầy năng lượng của các họa sĩ nổi tiếng.
TRẦN ĐẮC LUÂN