Quốc tế
Xung đột đẩy số người rời bỏ nhà cửa lên mức kỷ lục
Tính đến cuối năm 2023, xung đột khiến hơn 68 triệu người toàn cầu phải rời bỏ nhà cửa ngay trên mảnh đất quê hương của mình, mức cao nhất từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu cách đây 15 năm.
Tính đến cuối năm 2023, có 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters |
Số liệu đáng buồn nói trên được Trung tâm Giám sát Dịch chuyển nội bộ (IDMC) công bố trong báo cáo vào ngày 14-5. Chung quy lại, sự chồng chéo của các cuộc khủng hoảng địa chính trị, tranh chấp quyền lực nội bộ, cùng với thảm họa thiên tai đã dẫn đến sự tàn phá và nỗi thống khổ, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Xu hướng gia tăng đáng báo động
Tờ Guardian dẫn báo cáo của IDMC cho biết, sự gia tăng tình trạng di dời trong nước là hệ quả không thể tránh khỏi của sự đan xen đáng lo ngại các cuộc xung đột dai dẳng và mới bùng phát. Voice of American dẫn lời Alexandra Bilak, Giám đốc IDMC cho biết: “Trong hai năm qua, chúng tôi chứng kiến mức độ báo động mới về số người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và bạo lực, ngay cả ở những khu vực mà xu hướng này đang được cải thiện”. Giờ đây, sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về những mảnh đời thống khổ ở Dải Gaza.
Theo ước tính của IDMC, chỉ trong ba tháng cuối năm 2023, có hơn 3,4 triệu lượt người đi lánh nạn trên dải đất chật hẹp đang oằn mình dưới các đợt tấn công dồn dập của Israel, chiếm 17% tổng số người rời bỏ nhà cửa do xung đột trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những gì đang diễn ra ở Ukraine và Gaza, vẫn còn những “cuộc xung đột đang bị lãng quên” khi tin tức về chúng hầu như không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Ví dụ điển hình là ở Sudan, nước đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nạn đói lớn nhất thế giới từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2023.
Các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang ở Sudan khiến 6 triệu người phải di dời trong nước chỉ trong năm 2023, nhiều hơn 14 năm trước đó cộng lại và đây là con số cao thứ hai từng được ghi nhận ở một quốc gia trong một năm, sau con số kỷ lục 16,9 triệu người di dời ở Ukraine vào năm 2022.
Cũng trong năm 2023, tại châu Phi cận Sahara, số lượng người di tản trong nước tăng hơn gấp đôi từ 16,5 triệu vào năm 2018 lên 34,8 triệu vào năm 2023. Tại Syria, 7,2 triệu người buộc phải rời bỏ nơi ở sau khi xung đột bùng nổ cách đây 10 năm dù giao tranh có dấu hiệu lắng xuống. Tại Yemen, mặc dù lệnh ngừng bắn được áp dụng rộng rãi kể từ tháng 4-2022 nhưng số người di tản trong nước vẫn ở mức 4,5 triệu người.
Bên cạnh 68,3 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực, báo cáo của IDMC cũng cho biết, 7,7 triệu người đi lánh nạn do thiên tai, bao gồm lũ lụt, bão, động đất và cháy rừng. Đáng chú ý, trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào năm 2023 khiến 4,7 triệu người mất nhà cửa, đánh dấu một trong những đợt di dời lớn nhất do thảm họa kể từ năm 2008. Điều đáng buồn hơn là nhiều quốc gia từng chứng kiến cảnh người dân phải chịu “nỗi đau kép” khi vừa phải chạy trốn bạo lực đồng thời hứng chịu thảm họa thiên tai. IDMC ghi nhận tình trạng di dời do thiên tai ở 148 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm cả các quốc gia có thu nhập cao như Canada và New Zealand, và đây là những quốc gia đã ghi nhận con số cao nhất từ trước đến nay.
“Phần nổi của tảng băng chìm”
IDMC nhận định, tình trạng hàng triệu người buộc phải di dời vào năm 2023 chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi xung đột và hậu quả nặng nề mà nó để lại đang khiến hàng triệu người không thể xây dựng lại cuộc sống của mình như trước đây. Thậm chí ngay sau khi xung đột chấm dứt, sẽ phải mất nhiều năm để tái thiết lại những khu vực dân cư đã bị phá hủy. Trong khi đó, hiện nay hàng triệu người đang thiếu tiếp cận hỗ trợ và sự bảo vệ an toàn. Guardian dẫn lời ông Jan Egeland, Tổng Thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cho biết: “Hàng triệu gia đình đang hứng chịu cuộc sống tan vỡ vì xung đột và bạo lực. Đó là bản án nặng nề cho những thất bại trong nỗ lực ngăn chặn xung đột và kiến tạo hòa bình. Số phận của những người này thường kết thúc trong im lặng và dường như bị lãng quên”.
IDMC nhận định, việc di tản trong nước chủ yếu vẫn được coi là tình trạng tạm thời, có thể được giải quyết thông qua hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, điều cần làm lúc này là đẩy mạnh phối hợp hành động để chấm dứt xung đột; đồng thời cần đưa ra giải pháp hỗ trợ khả thi và bền vững để những người tị nạn có thể quay trở về nhà một cách tự nguyện và an toàn hoặc hòa nhập với cộng đồng nơi tạm thời nương náu.
THƯ LÊ