Quốc tế

Trung Quốc tăng kết nối đường sắt với Đông Nam Á

08:21, 06/05/2024 (GMT+7)

Chuyến tàu hàng cao tốc từ Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc đã khởi hành đến Malaysia. Đây là chuyến tàu đầu tiên chạy từ Trung Quốc đến Malaysia qua Lào và Thái Lan, đánh dấu cột mốc quan trọng trong kết nối thương mại khu vực.

Theo CTGN, chuyến tàu đầu tiên từ ga đường sắt quốc tế Thành Đô đến Malaysia chở 30 container màn hình LCD và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới. Đoàn tàu đi qua đường sắt Trung Quốc - Lào, sau đó chuyển sang mạng lưới đường sắt Lào và Thái Lan trước khi đến Malaysia. Thời gian đến Thái Lan mất 5 ngày và tới Malaysia là 8 ngày, rút ngắn xuống còn 1 nửa so với đi bằng đường biển.

Tuyến này sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ của đường sắt Trung Quốc-Lào, cũng như thúc đẩy trao đổi kinh tế và thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Lào, Thái Lan và Malaysia. Đồng thời, sẽ đẩy nhanh sự phát triển của mạng lưới đường sắt nội địa khu vực, cung cấp hỗ trợ mới cho sự tương tác và tăng trưởng kinh tế giữa tỉnh Tứ Xuyên và Đông Nam Á.

Trước đó, Trung Quốc và Thái Lan kết nối đường sắt với các chuyến tàu khứ hồi thông qua tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan đến thị trường Tây Nam Trung Quốc xuống còn 1 đến 2 ngày, thay vì 1 tuần nếu đi bằng đường biển.

Theo CNN, trong thời gian qua, Trung Quốc dành nhiều nguồn lực để gia tăng kết nối với Đông Nam Á bằng tàu cao tốc. Năm 2021, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc kết nối trung tâm thương mại tây nam Trung Quốc là thành phố Côn Minh với thủ đô Vientiane (Lào). Hành khách chỉ mất 10 giờ để hoàn thành quãng đường dài 1.000km, qua đó giúp tăng số lượng du khách Trung Quốc đến Lào; đồng thời đem lại nhiều cơ hội hơn cho tiểu thương và doanh nghiệp Lào.

Ngoài ra, tuyến đường sắt cao tốc khác cũng đang trong quá trình thi công ở Thái Lan. Công trình này sẽ kết nối đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc với Bangkok. Trung Quốc đảm nhận lắp đặt các hệ thống, thiết kế và thu mua tàu. Chính phủ Thái Lan ước tính công trình sẽ đi vào hoạt động toàn phần từ năm 2028. Một khi hoàn thành , tuyến này sẽ được nối dài thêm đến bắc Malaysia và kết nối với Kuala Lumpur rồi tăng thêm 350km đến điểm cuối ở phía nam Singapore. Bên cạnh đó, với hỗ trợ của Trung Quốc, Indonesia đưa vào hoạt động tuyến đường sắt cao tốc tàu viên đạn (bullet train) từ tháng 10-2023.

Theo Global Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào thúc đẩy đáng kể du lịch dọc tuyến, hỗ trợ động lực tiêu dùng và thúc đẩy trao đổi văn hóa cũng như hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Tuyến này là dự án cơ sở hạ tầng cao cấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy xây dựng chất lượng cao và kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc đề xuất. Đây là mắt xích quan trọng kết nối các nước ASEAN, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của hai nền kinh tế với lưu lượng hành khách và hàng hóa không ngừng tăng trưởng. Đặc biệt, tuyến đường sắt này thúc đẩy hơn nữa sự phát triển du lịch.

Các chuyến tàu chở khách xuyên biên giới nối các thành phố lớn ở Trung Quốc và Lào tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan các di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh thiên nhiên. Năm 2023, có 734 chuyến tàu hoàn thành hành trình, vận chuyển 700.000 hành khách và thu hút hơn 180.000 khách du lịch từ 87 quốc gia và khu vực qua biên giới.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn Thái Lan được hãng Chinanews trích dẫn, đường sắt Trung - Lào trở thành tuyến đường quan trọng hỗ trợ Thái Lan xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào tăng mạnh, dự kiến đạt 12 tỷ baht năm 2024. Ngày càng nhiều trái cây xuất khẩu của Thái Lan chuyển sang vận chuyển bằng tuyến đường này. So với đường biển mất ít nhất một tuần, việc sử dụng đường sắt Trung  Quốc - Lào đưa hàng hóa đến thị trường tây nam Trung Quốc chỉ mất 1-2 ngày. 

NGHI VĂN

.