Quốc tế

Du lịch thành "hàng xuất khẩu" số 2 của Nhật Bản, sau ô-tô

09:21, 27/06/2024 (GMT+7)

Ngành du lịch Nhật Bản, đặc biệt là du lịch inbound (đón khách quốc tế vào) có bước phát triển thần kỳ, không chỉ giúp quảng bá hình ảnh đất nước mặt trời mọc với thế giới mà còn góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch

Du lịch inbound đóng góp đáng kể vào xuất khẩu dịch vụ của Nhật Bản khi khách quốc tế sẵn sàng trút “hầu bao” hào phóng về chỗ ở, ăn uống, vận chuyển và các dịch vụ khác tại đây. Theo Nikkei, chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản tăng gấp 5 lần trong thập niên qua, trở thành “hàng xuất khẩu” lớn thứ hai sau ô-tô, cho thấy sự chuyển đổi ấn tượng từ xuất khẩu hàng hóa sang dịch vụ.

Chi tiêu của du khách quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kinh tế đất nước mặt trời mọc. Dù con số 7,200 tỷ yên (tổng giá trị giao dịch trực tiếp của người không cư trú tại thị trường nội địa) trong quý 1-2024 chưa bằng một nửa so với 17.300 tỷ yên giá trị ô-tô mà nước này xuất khẩu ra nước ngoài năm 2023 nhưng vẫn cao hơn kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử (gồm chất bán dẫn) và thép, vốn là các mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai và ba trong năm đó. Chi tiêu hằng quý của du khách tăng hơn 60% trong 5 năm, tính đến quý 1-2024, trong khi xuất khẩu ô-tô và thép hằng  năm chỉ tăng khoảng 45%, còn linh kiện điện tử tăng gần 40% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Nikkei dẫn lời chuyên gia Saisuke Sakai của công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies cho biết: “Xuất khẩu hàng hóa trở nên khó tăng trưởng hơn ngay cả khi đồng yên rẻ do các công ty chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài cũng như sự suy giảm khả năng cạnh tranh quốc tế trong các lĩnh vực như chất bán dẫn”. Trong khi đó, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản không ngừng tăng cao. Tổng số khách quốc tế đến nước này lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu vào tháng 3-2024, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, và tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong 3 tháng liên tiếp sau đó. Chi tiêu của du khách cũng tăng nhiều hơn mức trước Covid-19 so với các nền kinh tế lớn khác. Theo Sách trắng hằng  năm về du lịch của Chính phủ Nhật Bản, chi tiêu của mỗi du khách tăng 31% trong giai đoạn  2019 - 2023 do đồng yên yếu khiến mọi thứ trở nên rẻ hơn đối với họ.

Ứng phó quá tải du lịch

Tuy nhiên, lượng du khách tăng vọt cũng mang đến những thách thức không nhỏ đối với Nhật Bản. Cơ sở hạ tầng du lịch không phát triển theo kịp làn sóng du khách đổ xô về đây; ngành khách sạn và hàng không đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Du lịch quá tải là một vấn đề đáng chú ý mà ở nhiều địa phương Nhật Bản đang đối mặt và tìm cách xoa dịu để tránh nguy cơ ảnh hưởng cảnh quan, văn hóa và lối sống người dân. Theo Japan Times, Chính phủ Nhật Bản chủ động đưa ra các biện pháp, trong đó xem xét áp dụng thu thuế lưu trú, loại thuế không theo luật định do chính quyền địa phương tự áp dụng và việc triển khai loại thuế này cần có sự đồng ý của Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Thuế lưu trú được sử dụng để chi trả cho những việc như tạo bản đồ hướng dẫn du lịch bằng tiếng nước ngoài và thành lập trung tâm thông tin du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến.

Bên cạnh đó, Nhật Bản dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với tình trạng quá tải này. AI được dùng  để phân phối thông tin trên mạng xã hội mỗi khi du khách truy cập tại nước này, nhằm phổ biến các điểm đến ít người biết và phân tán du khách, giảm áp lực cho điểm du lịch nổi tiếng. Đồng thời, AI sẽ tích hợp dữ liệu và công nghệ trên hệ thống camera đường phố nhằm cấm du khách chụp ảnh và tiếp cận các con phố tư nhân ở Gion, quận geisha nổi tiếng của Kyoto để bảo vệ geisha khỏi bị làm phiền.

THƯ LÊ

.