Quốc tế

G7 ra tuyên bố về nhiều vấn đề cấp bách

08:38, 17/06/2024 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kết thúc vào ngày 15-6 tại Ý, với việc ra tuyên bố tập trung vào một số vấn đề lớn mà khối này quan tâm.

Chương trình nghị sự bao gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Vấn đề di cư bất hợp pháp là chủ đề được G7 tập trung thảo luận trong ngày họp cuối cùng. Đây là bài toán nan giải với giới lãnh đạo G7 trong bối cảnh làn sóng di cư năm 2015 có xu hướng tăng trở lại khối này thời gian gần đây. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo cân nhắc giải pháp để chống nạn buôn người, cũng như tăng cường đầu tư vào các quốc gia châu Phi vốn được xem là điểm xuất phát bắt đầu hành trình di cư, qua đó tìm giải pháp giảm áp lực di cư lên châu Âu. Trong tuyên bố cuối cùng, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ thành lập Liên minh G7 để ngăn chặn nạn buôn bán và vận chuyển người di cư trái phép. Tuyên bố cũng lưu ý, G7 sẽ tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất thường cũng như nỗ lực tăng cường quản lý biên giới và hạn chế tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Cũng tại phiên họp ngày 15-6, Tổng thống Brazil Lula da Silva đề xuất áp thuế toàn cầu đối với người siêu giàu, nhằm thu hẹp bất bình đẳng; đồng thời nhấn mạnh việc tập trung của cải vào tay một nhóm ít người đem lại rủi ro. Ông Lula cũng kêu gọi đại diện G7 ủng hộ đề xuất thành lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo mà Brazil sẽ đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra vào tháng 11-2024 tại Rio de Janeiro. Liên minh toàn cầu này sẽ là chìa khóa để chấm dứt đói nghèo, vấn đề mà hiện tại vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại.

Trước đó, các quốc gia G7 cam kết thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng cụ thể, gồm dự án Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC). Đây là sáng kiến đột phá nhằm xây dựng mạng lưới giao thông gồm đường bộ, đường sắt và vận tải biển liên kết Arab Saudi, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy sự hội nhập giữa châu Á, Trung Đông và phương Tây mà còn là nỗ lực của các quốc gia đồng minh nhằm cân bằng lại ảnh hưởng chiến lược của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Đáng chú ý, theo Reuters, trong dự thảo tuyên bố, hội nghị nhấn mạnh, G7 không tìm cách làm suy yếu Trung Quốc hoặc cản trở sự phát triển kinh tế của nước này mà sẽ tiếp tục thực hiện các hành động để bảo vệ doanh nghiệp và  tạo sân chơi bình đẳng.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết tăng cường nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng trên toàn cầu trong bối cảnh các xung đột đang làm trầm trọng thêm các vấn đề lương thực. Theo đó, G7 sẽ thúc đẩy Sáng kiến Hệ thống Thực phẩm G7 Apulia (AFSI) nhằm vượt qua rào cản mang tính cấu trúc đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng. Sáng kiến này tập trung vào các quốc gia có thu nhập thấp và hỗ trợ các dự án ở châu Phi. Dự kiến, G7 sẽ thảo luận để thống nhất các chi tiết của sáng kiến AFSI trong những tháng tới. Bên cạnh đó, G7 nhất trí cấp cho Ukraine khoản vay mới trị giá 50 tỷ USD, cam kết hỗ trợ quân sự và công cuộc tái thiết ở nước này trong dài hạn. Văn kiện này nêu rõ, G7 có ý định cung cấp cho Ukraine nguồn tài chính sẽ được hoàn trả bằng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga tại Liên minh châu Âu (EU).

Đáng chú ý, hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên Giáo hoàng Francis tham dự. Theo AP, ngày 15-6, Giáo hoàng  đưa ra cảnh báo về sự cần thiết phải giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) một cách chặt chẽ. G7 cho biết sẽ vạch ra một kế hoạch nhằm dự đoán nhu cầu về kỹ năng và giáo dục trong tương lai để tận dụng cuộc cách mạng AI.

NGHI VĂN

.