Quốc tế

Xung đột đe dọa quyền sống của nhiều trẻ em

08:30, 13/06/2024 (GMT+7)

Trong báo cáo công bố ngày 11-6, Liên Hợp Quốc (LHQ) báo động tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhắm vào trẻ em trong các cuộc xung đột ngày càng nhiều và leo thang trên toàn thế giới, đạt tới mức độ cực đoan trong năm 2023.

Các em nhỏ Palestine đang chờ đồ ăn từ thiện ở Rafah, phía nam dải Gaza.  Ảnh: Reuters
Các em nhỏ Palestine đang chờ đồ ăn từ thiện ở Rafah, phía nam dải Gaza. Ảnh: Reuters

Đau lòng hơn khi báo cáo cũng ghi nhận số trẻ em bị chết hoặc bị thương cao ở mức chưa từng có tiền lệ từ xung đột Israel - Palestine cho tới Sudan.

Theo AP, bản báo cáo thường niên có tên “Trẻ em trong xung đột vũ trang” của Tổng Thư ký LHQ ghi nhận mức tăng sốc 21% số vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra với trẻ em dưới 18 tuổi trong một loạt xung đột, đồng thời trích dẫn các nước như Congo, Burkina Faso, Somalia và Syria.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là lần đầu tiên LHQ đưa Israel vào danh sách các nước vi phạm quyền trẻ em khi thực hiện các cuộc tấn công các trường học và bệnh viện, khiến nhiều trẻ em thương vong. Đây cũng là lần đầu tiên LHQ đưa Hamas và các chiến binh của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine vào danh sách đó. Báo cáo cho biết, cuộc tấn công bất ngờ ngày 7-10 của Hamas vào khu vực miền nam Israel, sau đó là chiến dịch trả đũa đẫm máu của Israel tại Gaza dẫn tới sự gia tăng 155% những vi phạm nghiêm trọng với trẻ em, trong đó đáng kể nhất là việc sử dụng các loại vũ khí nổ ở những khu vực đông dân cư tại Gaza.

Tại Sudan, quốc gia ở Bắc Phi, cuộc chiến giành quyền lực trong nước đã nổi lên từ năm 2023 và LHQ cũng ghi nhận mức tăng khủng khiếp (480%) số vụ vi phạm nghiêm trọng nhắm vào trẻ em. Vì lẽ đó, các lực lượng vũ trang Sudan và lực lượng bán quân sự Rapid Support Forces (lực lượng hỗ trợ nhanh)  vẫn tiếp tục nằm trong danh sách đen của LHQ. Tính tới cuối năm 2023, Tổng Thư ký LHQ Guterres cho biết, LHQ đã xác minh 1.721 vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra với 1.526 trẻ em. Lý giải cho mức tăng báo động của vi phạm, ông Guterres cho rằng đó là do “tính chất thay đổi, tính phức tạp, sự mở rộng và cường độ của xung đột vũ trang, việc sử dụng vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư, các cuộc tấn công có chủ ý hoặc bừa bãi nhắm vào dân thường”.

Trong lưu ý tích cực, ông Guterres nhắc tới sự tiến bộ trong việc hợp tác với các chính phủ và nhóm vũ trang bị liệt vào danh sách đen để bảo vệ trẻ em. Ông nhắc tới các nước Afghanistan, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Congo, Iraq, Mali, Mozambique, Nigeria, Philippines, Somalia, Nam Sudan, Syria, Ukraine và Yemen. “Hơn 10.600 trẻ em trước đây từng tham gia các lực lượng hoặc nhóm vũ trang nhận được sự hỗ trợ bảo vệ hoặc tái hòa nhập trong năm 2023”, ông Guterres cho biết. Để thoát khỏi danh sách đen, chính phủ và các nhóm vũ trang phải xây dựng kế hoạch hành động giải quyết các vi phạm với văn phòng đại diện đặc biệt của LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, sau đó thực thi kế hoạch đó. Ông Guterres hoan nghênh một đề nghị của chính phủ Israel hôm 28-5 về việc hợp tác với đại diện đặc biệt của LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba để xây dựng kế hoạch hành động.

1/4 trẻ em thế giới đang thiếu lương thực nghiêm trọng
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) gần đây công bố báo cáo cho biết có khoảng 181 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới (tương đương 1/4 số trẻ em toàn cầu) đang sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Báo cáo tập trung vào khoảng 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong số 181 triệu trẻ em bị ảnh hưởng có 64 triệu em sống ở Nam Á và 59 triệu em sống ở châu Phi cận Sahara. Tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng nêu trong báo cáo được lý giải bởi các nguyên nhân như xung đột, giá lương thực tăng cao và khủng hoảng khí hậu. Tại Somalia, quốc gia vẫn đang bị tàn phá bởi hạn hán, xung đột và lạm phát tràn lan, 63% trẻ em đang đói ăn rất nghiêm trọng. Tại dải Gaza, cứ 10 trẻ em lại có 9 em trong tình trạng đói.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.