Quốc tế

Chính trị gia 28 tuổi và cơn địa chấn cực hữu ở châu Âu

08:26, 13/06/2024 (GMT+7)

Dù chỉ mới 28 tuổi nhưng chính trị gia Jordan Bardella gây chấn động chính trường khi dẫn dắt đảng cực hữu Pháp giành chiến thắng vang dội trong bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua nhờ sức hút mạnh mẽ với cử tri trẻ, đưa ông đứng trước cơ hội trở thành Thủ tướng tiếp theo và trẻ nhất của Pháp.

Chiến thắng bất ngờ của ông Bardella, Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu, là nguồn cơn khiến Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm với hy vọng chặn đà tiến của RN, hay đúng hơn là “làn gió mới” Bardella. Chính trị gia trẻ tuổi này nhiều khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo nếu ông Macron thua canh bạc trong cuộc bầu cử sớm sắp tới. Giới chuyên gia nhận định, đây là kết quả của nỗ lực và sự tính toán kỹ lưỡng trong nhiều năm của Bardella dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ từ người tiền nhiệm, bà Marine Le Pen, cựu Chủ tịch RN.

Bardella được TIME ca ngợi là “gương mặt mới của phong trào cực hữu tại châu Âu”. Thậm chí, có tin đồn trong nội bộ RN rằng, gương mặt trẻ mới nổi này còn sáng giá hơn cả bà Le Pen. Trong con mắt cử tri trẻ tuổi ở cả thành thị lẫn nông thôn, Bardella là mẫu người “tuổi trẻ tài cao”, tự lập, mang hình ảnh tham vọng và thành đạt sớm, càng củng cố quan niệm về nước Pháp là một xã hội dựa trên thành tích, nơi bất kỳ ai cũng có thể lên cao trên nấc thang sự nghiệp nhờ làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình.

Theo CNN, Bardella xuất thân từ gia đình nhập cư gốc Ý thuộc tầng lớp lao động, với người mẹ đơn thân làm bảo mẫu tại trường mẫu giáo. Ông lớn lên trong khu nhà ở xã hội Gabriel Peri ở Saint-Denis ngoại ô bắc Paris, khu vực thường gắn liền với tội phạm và bạo lực. Ông gia nhập đảng cực hữu năm 16 tuổi và theo học tại Đại học Sorbonne danh tiếng, rồi sau đó bỏ học để tập trung các hoạt động chính trị. Điều này hoàn toàn trái ngược với hồ sơ điển hình của các chính trị gia Pháp - những người thường có xuất thân đặc quyền và tốt nghiệp từ các trường đại học vốn là “cái nôi” đào tạo tổng thống và bộ trưởng tương lai.

Ông Bardella là người đầu tiên lãnh đạo đảng RN mà không phải là thành viên của gia đình Le Pen. Tại sao bà Le Pen lại giao quyền lãnh đạo đảng cho Bardella? Theo EuroNews, quyết định mang tính chiến lược này tạo điều kiện để bà Le Pen tập trung hơn vào tham vọng tranh cử Tổng thống Pháp năm 2027 và tiếp tục công cuộc đổi mới đảng. Pierre-Stéphane F

ort, nhà báo điều tra đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Bardella, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Courthouse News rằng: “Bardella là gương mặt tiếp thị đáng giá mà bà Le Pen mong muốn”. Thực tế, đảng RN tận dụng thành công nét khác biệt trong tiểu sử Bardella để xây dựng câu chuyện truyền cảm hứng, giúp ông tạo tiếng vang trong nhóm cử tri trẻ và người dân thuộc tầng lớp lao động - nhóm nhân khẩu học mà đảng RN phải chật vật giành sự ủng hộ. Bardella lớn lên trong khu nhà ở xã hội phức tạp nên hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các vấn đề của nhập cư, phạm pháp… vốn là mối bận tâm lớn đối với thế hệ trẻ ở Pháp.

Vậy đâu là cách Bardella đến gần hơn với cử tri trẻ? “Ông ấy đã sử dụng thành công mạng xã hội để tiếp cận thế hệ trẻ và vận động tranh cử hiệu quả”, Anne Muxel, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính trị (CEVIPOF) thuộc Đại học Khoa học chính trị Pháp, bình luận với CNN. Thực tế, Bardella hiện sở hữu tài khoản TikTok với hơn 1,5 triệu người theo dõi và không ít người trẻ gọi Bardella là thần tượng, hào hứng chia sẻ ảnh selfie cùng ông và kêu gọi thành lập fanpage với hàng chục ngàn thành viên để ủng hộ Bardella.

Việc Bardella nổi tiếng trên chính trường Pháp, cũng như châu Âu nói chung, không khỏi làm người ta nhớ đến hình ảnh ông Macron trẻ tuổi ngày nào khi tranh cử tổng thống vào năm 2017 với sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ. Hơn nữa, theo CNN, những ai hâm mộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở tận bên kia Đại Tây Dương thì phần nhiều cũng sẵn sẵng chọn lá phiếu ủng hộ Bardella bởi ông có chút tương đồng trong quan điểm. Theo đó, Bardella kêu gọi chính sách kinh tế bảo hộ “Nước Pháp trên hết” và cắt giảm triệt để tình trạng nhập cư hàng loạt bất hợp pháp, qua đó đưa đất nước thoát khỏi “cuộc khủng hoảng bản sắc”.

THƯ LÊ

.