Quốc tế

Trung Quốc phản ứng việc châu Âu tăng thuế xe điện

08:29, 14/06/2024 (GMT+7)

Trung Quốc khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền hợp pháp của doanh nghiệp sau khi Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế xe điện của họ; đồng thời chỉ trích động thái của khối này tạo ngõ cụt nguy hiểm, gây tổn hại quan hệ song phương và thương mại toàn cầu.

Ô-tô chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tháng 1-2024. Ảnh: China Daily
Ô-tô chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tháng 1-2024. Ảnh: China Daily

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung đối với ô-tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm chặn làn sóng giá rẻ từ nước này chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại cuộc chiến thương mại tốn kém giữa hai nền kinh tế sau quyết định này.

Reuters dẫn kết quả sơ bộ của cuộc điều tra của EC cho thấy chuỗi giá trị xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ “trợ cấp không công bằng”, gây tổn hại cho các doanh nghiệp của EU. Vì vậy, dự kiến từ ngày 4-7, ba công ty xe điện nội địa Trung Quốc đang có thị phần lớn nhất ở châu Âu gồm BYD, Geely và SAIC sẽ bị áp mức thuế bổ sung mới lần lượt 17,4%; 20% và 38,1%. Đây đều là các hãng xe Trung Quốc bị cáo buộc sản xuất dư thừa và hưởng trợ cấp quá mức từ Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế ít nhất là 21%, gồm cả những hãng xe phương Tây đang hoạt động tại Trung Quốc như Tesla và BMW. Thuế suất cụ thể trong từng trường hợp sẽ tùy thuộc vào mức độ tuân thủ của nhà sản xuất đối với cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô-tô điện mà EU công bố vào năm ngoái. Mức thuế bổ sung sẽ được áp dụng bên cạnh mức thuế nhập khẩu 10% hiện tại của châu Âu. Rõ ràng, mức thuế mới này cao hơn dự đoán của giới nhà phân tích bởi trước đó họ chỉ đánh cược mức 10% - 25%. “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động trong bối cảnh làn sóng nhập khẩu ô-tô điện có sự trợ cấp mạnh từ Trung Quốc vào châu Âu, đặt ngành công nghiệp ô-tô điện của chúng tôi trước rủi ro tổn thương.”, ông Valdis Dombrovskis, cao ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của EU, nói với Financial Times.

Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, kim ngạch ô-tô điện nhập khẩu vào châu Âu tăng vọt từ 1,6 tỷ USD hồi 2020 lên 11,5 tỷ USD năm ngoái và hầu hết đến từ các nhà sản xuất phương Tây có nhà máy ở Trung Quốc. Nhiều nước phát triển ở phương Tây lo ngại việc Trung Quốc tăng tốc trong công nghệ xe điện. Khi áp dụng các biện pháp tăng thuế này, họ lập luận rằng Trung Quốc đang sản xuất dư thừa với sự trợ giúp từ chính phủ, và xe điện “made in China” sẽ tràn ngập thị trường, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh chung. Đáng chú ý, động thái của EU diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Mỹ tăng thuế xe điện nhập từ Trung Quốc lên gấp bốn lần, chạm mốc 100% từ mức 25% trước đó.

Theo Global Times, trước động thái của EU, ngày 12-6, nhiều cơ quan và tổ chức chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định của EC. Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) kêu gọi EU ngay lập tức sửa chữa các hành vi vốn đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường; đồng thời phải giải quyết thỏa đáng xung đột kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.

Đồng quan điểm, các nhà quan sát cho rằng động thái này hoàn toàn mang tính chính trị, không giúp ích gì cho người tiêu dùng EU cũng như nỗ lực của khối vì tương lai xanh và ít carbon và làm tổn hại và bóp méo chuỗi công nghiệp ô-tô toàn cầu. EC cố tình xây dựng và phóng đại cái gọi là chương trình trợ cấp, và việc giả định biên trợ cấp cao bất thường là hành động bảo hộ trắng trợn, làm leo thang xung đột thương mại giữa hai bên, đồng thời hủy hoại cạnh tranh công bằng. Global Times dẫn lời Sun Yanhong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, cái gọi là cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện Trung Quốc có thể được coi là hành động tự dàn dựng với thành kiến ​​chính trị. Rõ ràng chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp mà chỉ là ngõ cụt nguy hiểm.

Phản ứng tiếp theo của Trung Quốc?
Trước khi EU đi đến quyết định áp thuế, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục nhiều nước thành viên EU phản đối kế hoạch này. Theo Global Times, giới chuyên gia nhận định, mặc dù các quan chức Trung Quốc chưa công khai bất kỳ biện pháp đối phó nào mà họ sẽ thực hiện nhưng họ có rất nhiều lựa chọn. Một doanh nghiệp trong ngành ô-tô nổi tiếng của Trung Quốc kêu gọi nước này tăng thuế tạm thời đối với xe nhập khẩu từ EU chạy bằng xăng có dung tích động cơ lớn hơn 2,5 lít để giảm lượng khí thải carbon. Các nguồn tin cũng cho rằng, các ngành liên quan đang thu thập bằng chứng khi họ dự định nộp đơn lên cơ quan chức năng để tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thịt lợn của EU. Một số công ty Trung Quốc cũng đang có kế hoạch yêu cầu cơ quan chức năng mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu một số sản phẩm sữa từ EU. Trước đó, Trung Quốc đã áp mức thuế 15% lên ô-tô điện nhập khẩu từ châu Âu.

THƯ LÊ - NGHI VĂN

.