Quốc tế

Hikikomori - "căn bệnh" lây lan thời hiện đại

08:36, 01/06/2024 (GMT+7)

Trong xã hội hiện đại, sự phát triển khoa học-công nghệ mạnh mẽ đem lại sự thay đổi to lớn trong cuộc sống con người nhưng cũng gây hệ lụy mà đối tượng chịu tác động nhiều nhất là giới trẻ. Một trong số đó là tình trạng nhiều bạn trẻ tự trốn tránh đời thực, hay còn gọi là hội chứng “hikikomori” ở Nhật Bản.

“Hikikomori” là hiện tượng những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giam mình trong phòng riêng, thức đêm để chơi game, xem ti-vi, đọc truyện tranh, ngủ cả ngày, hầu như không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài người thân trong gia đình. Tình trạng này thường kéo dài từ 6 tháng trở lên. CNN dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, sự phát triển internet và suy giảm tương tác trực tiếp có thể là nguyên nhân khiến “hikikomori” lan rộng trong giới trẻ toàn cầu. Ngoài ra, áp lực học hành, công việc, sự không chia sẻ, thiếu sự thấu hiểu của gia đình, bạn bè cũng ảnh hưởng đáng kể. Thêm nữa, tác động của Covid-19 dường như cũng khiến nhiều người có xu hướng rơi vào lối sống ẩn dật.

Bệnh nhân đầu tiên mắc “hikikomori” xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm đầu của thập niên 1980 và hiện chiếm tới 1% dân số nước này. Đáng chú ý, những bệnh nhân mắc “hikikomori” thường là những thanh niên từ 14 đến 29 tuổi vốn thông minh, có năng lực. Do đó, thực trạng nhiều người mắc hội chứng này khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động, ảnh hưởng nền kinh tế.

Hiện không rõ có bao nhiêu người mắc “Hikikomori” toàn thế giới, nhưng CNN ước tính có hơn 1,5 triệu người sống ở Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Yonhap dẫn số liệu của Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho biết, hiện có khoảng 350.000 người trong độ tuổi 19 - 39 ở nước này bị liệt vào nhóm “hikikomori”. Theo Hur Ji Won, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, nhiều người thuộc Gen Y (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) và Gen Z (những người sinh từ cuối thập niên 1990 tới đầu thập niên 2010) thường nhạy cảm với những lời chỉ trích, tự phê bình quá mức và sợ thất bại trước mọi dự định về công việc.

Theo SCMP, tại Trung Quốc đại lục, ngoài “hikikomori” bu bám nhiều bạn trẻ thì gần đây xu hướng nghỉ hưu sớm đang trở nên phổ biến tại nước này khi những người ở độ tuổi 30 đang tìm đến nhà dưỡng lão để tìm kiếm sự yên bình. Họ tuân theo triết lý sống tối giản, làm vừa đủ để trang trải cuộc sống và là phong trào hướng tới độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.

Có thể nói, việc ngày càng có nhiều bạn trẻ rời xa đời sống xã hội thực, tránh giao tiếp trực tiếp với cộng đồng hay chọn sống an phận khi tuổi đời mới ngoài 30 đang là thách thức vô cùng to lớn đối với gia đình, xã hội và chính phủ nhiều nước. Họ là lớp người trẻ, hầu hết đều khỏe mạnh, thông minh, có sức lao động dồi dào, là nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng. Sự chán nản, trốn tránh thực tại sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và cũng là nhân tố trực tiếp làm suy giảm chất lượng và số lượng dân số của mỗi quốc gia khi tỷ lệ người già đang tăng nhanh ở nhiều nước châu Á.

Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chính phủ và tổ chức xã hội đang tiếp cận, giúp đỡ những người “hikikomori” để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Theo The Guardian, năm 2023, chính quyền Seoul triển khai chương trình phụ cấp 650.000 won/tháng (hơn 12 triệu VND/tháng) để khuyến khích công dân tuổi từ 9 - 24 mắc chứng tự cô lập với xã hội quay về hòa nhập cộng đồng. Chương trình còn cung cấp hỗ trợ giáo dục, giới thiệu việc làm và chăm sóc sức khỏe. Giới chuyên gia tâm lý cho rằng, giá trị của tương tác xã hội thực không thể bị đánh giá thấp. Khi trẻ em lớn lên trong lối sống cô lập, ngại tương tác ngoài đời thực, chúng có thể gặp nhiều cản trở về mặt cảm xúc.

LÊ MINH HÙNG

.